Theo đó, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ về Dự thảo Nghị định mức thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện, cụ thể, đơn vị này đề nghị giảm 30% mức thu phí sử dụng đường bộ với xe kinh doanh vận tải hành khách và 10% với xe kinh doanh vận tải hàng hóa, thời gian giảm phí là 6 tháng kể từ khi Nghị định có hiệu lực thi hành, dự kiến áp dụng trong năm 2023.
Trong dự thảo Nghị định này, Bộ Tài chính đề xuất mức thu phí áp dụng cho ôtô (trừ xe của lực lượng công an, quốc phòng) chia làm 8 nhóm theo tải trọng và ghế ngồi của xe từ 130.000 đồng một tháng đến 1.430.000 đồng/tháng.
Đề xuất nếu được Chính phủ thông qua, được cho sẽ góp phần hỗ trợ hoạt động kinh doanh vận tải, giảm giá thành vận chuyển, giảm chi phí sản xuất kinh doanh cũng như giá hàng hóa, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam. Và theo ước tính của Bộ Tài chính, ngân sách năm 2023 sẽ giảm thu khoảng 399 tỷ đồng…
Mặc dù được đánh giá là cần thiết, nhất là khi trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, theo chuyên gia, mức giảm 10 - 30% phí sử dụng đường bộ theo đề xuất chỉ trong 6 tháng năm 2023 dường như là chưa đủ và khó tạo ra nhiều tác động.
Tuy nhiên, theo chuyên gia phí đường bộ cần phải giảm nữa, bởi vì vận tải hiện đang chịu quá nhiều loại phí - Ảnh minh họa: Internet
Thông tin với báo chí, chuyên gia giao thông - Nguyễn Xuân Thủy đánh giá, đề xuất của Bộ Tài chính giảm 10% phí sử dụng đường bộ đối với xe vận tải hàng hóa, 30% với xe kinh doanh vận tải hành khách là cần thiết. Như vậy, sẽ giảm bớt khó khăn cho kinh doanh vận tải trong giai đoạn này, điều này cũng sẽ khích lệ ngành vận tải tăng năng suất, tăng lưu lượng hoạt động, giảm bớt chi phí logistics, tạo điều kiện cho ngành vận tải phát triển.
“Tuy nhiên, theo tôi phí đường bộ cần phải giảm nữa, bởi vì một chiếc ô tô hiện đang chịu quá nhiều loại phí rồi”, ông Thủy bày tỏ.
Theo ông Thủy, hiện nay, ngành vận tải đang gặp rất nhiều khó khăn, hầu hết các tuyến đường nối trung tâm hay các đô thị lớn đều được đầu tư theo hình thức BOT, tức là cứ ra đường là phải trả tiền, phí rất cao và nhiều tuyến cao tốc đang tiếp tục được đầu tư mở rộng ra cả nước. Và phí giao thông tăng lên rất cao, từ 20-30%, trong khi đó đường sắt hiện nay rất ít được đầu tư mà chỉ tập trung đầu tư cho đường bộ, cho nên gánh nặng chi phí vận tải rất lớn.
“Vì vậy, theo tôi, sau 6 tháng nữa nếu tình hình còn khó khăn thì Nhà nước nên tiếp tục giảm phí sử dựng đường bộ cho người dân, đối với vận tải hàng hóa cũng nên giảm 20%. Đồng thời, nên tập trung đầu tư phát triển đường thủy, để chuyên chở các loại hàng siêu trường siêu trọng; có kế hoạch tài khóa - tiền tệ sớm đầu tư cho đường sắt cao tốc Bắc Nam để chở cả hàng hóa và hành khách. Như vậy, sẽ hiệu quả hơn và sẽ giải quyết được tận gốc những bức xúc trong vận tải hiện nay”, ông Thủy đề xuất.
Xoay quanh đề xuất của Bộ Tài chính, nhiều ý kiến doanh nghiệp cho rằng, xét trong cấu thành, giá cước đường bộ chiếm tỷ trọng chi phí rất nhỏ, số tiền được giảm, tính ra nhỏ hơn nhiều so với các loại chi phí khác. Chưa kể quan ngại, muốn tiếp cận chính sách cũng không dễ.
Đặc biệt, quy tiền giảm phí cho 2 loại hình vận tải, với hàng ngàn doanh nghiệp, hàng trăm ngàn phương tiện vận tải mà lại chỉ có 399 tỷ khó đạt được kỳ vọng “giảm giá thành vận chuyển”, “giảm giá hàng hoá”, “tăng sức cạnh tranh”,... bởi theo tính toán của một số doanh nghiệp, mỗi năm doanh nghiệp đóng khoảng 4,5 triệu đồng phí sử dụng đường bộ, mỗi tháng, chỉ khoảng chưa tới 400 ngàn đồng. Nếu giảm phí 30%, mỗi ngày sẽ chỉ giảm khoảng 20 ngàn đồng/phương tiện.
Trong khi đó, các loại chi phí như xăng dầu, chi phí BOT,… mới là những chi phí lớn doanh nghiệp quan ngại, vì vậy, các doanh nghiệp vận tải đều mong muốn, Bộ Tài chính tiếp tục có những đề xuất chính sách giảm bớt thuế phí trong xăng dầu,…
Bên cạnh những vấn đề đã nêu, không ít ý kiến cũng cho rằng, ngoài việc cân nhắc mức giảm trong đề xuất để có thể tạo ra động lực thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp vận tải, Bộ Tài chính cũng nên cân nhắc, xem xét kéo dài thời gian thực hiện giảm phí cả năm 2023.
Đồng thời, về lâu dài, Chính phủ cũng cần sớm nghiên cứu trình Quốc hội bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu. Bởi xăng dầu là mặt hàng chiến lược, không chỉ phục vụ đời sống thường nhật của người dân, mà còn là huyết mạch của nền kinh tế, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần, không chỉ riêng ngành vận tải. Và có làm được như vậy thì kỳ vọng “giảm giá thành vận chuyển”, “giảm giá hàng hoá”, “tăng sức cạnh tranh”,… mới thành hiện thực.