Ngày 4-11, Tổng cục Hải quan thông tin thêm về lô hàng nguyên liệu nhôm trị giá 4 , 3 tỉ USD của một công ty tại Bà Rịa-Vũng Tàu . “Lực lượng hải quan đang phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ kho nhôm này để ngăn chặn nguy cơ gian lận xuất xứ khi xuất khẩu sang Mỹ” - Tổng cục Hải quan cho hay.
Tổng cục Hải quan khẳng định đơn vị sở hữu kho nhôm khổng lồ trên là Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu, có địa chỉ trụ sở chính tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 - Conac, phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu là doanh nghiệp chế xuất, do đó hàng hóa xuất nhập khẩu của công ty thuộc đối tượng không chịu thuế. Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Hải quan, hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất chịu sự giám sát hải quan từ khi nhập khẩu trong suốt quá trình sản xuất cho đến khi xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.
Hiện nay công ty đang lưu giữ hơn 1,8 triệu tấn nhôm tại các kho thuê ngoài và hơn 200.000 tấn nhôm ở nhà máy, trị giá khoảng 4,3 tỉ USD. Nhôm nguyên liệu công ty nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Mexico, Mỹ, Úc, Nga, Malaysia, Indonesia. Nhôm thành phẩm công ty xuất đi nhiều nước khác nhau như Canada, Ai Cập, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Singapore, Mỹ…
Đơn vị sở hữu kho nhôm khổng lồ ở Vũng Tàu là Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu (ảnh lớn). Kho nhôm khổng lồ được phủ bạt đen ở Vũng Tàu. Ảnh: KHÁNH LY - WALL STREET JOURNAL
“Hiện công tác giám sát hàng hóa thuê tại kho bãi ngoài của công ty được lực lượng chức năng giám sát chặt chẽ bằng hình thức camera tại cổng ra vào và toàn bộ khu vực bãi; bãi thuê có tường rào cứng ngăn cách với khu vực bên ngoài; có cán bộ, công chức tuần tra giám sát thường xuyên” - Tổng cục Hải quan cho hay.
Trước đó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn khẳng định cơ quan này đã chặn đứng 1,8 triệu tấn nhôm Trung Quốc nhập về Việt Nam có dấu hiệu giả mạo xuất xứ nhằm xuất khẩu sang Mỹ và các nước. Đây là vụ việc có dấu hiệu giả mạo xuất xứ lớn nhất từ trước đến nay đối với mặt hàng nhôm.
“Vụ việc do một tập đoàn có công nghệ, dây chuyền nhưng lại nhập khẩu nhôm thỏi, nhôm thanh, nhôm bán thành phẩm nhằm đưa ra các sản phẩm để xuất khẩu đi Mỹ và một số nước khác nhằm hưởng lợi thế từ chênh lệch thuế suất” - ông Cẩn cho hay.
Cụ thể, nhôm của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chỉ phải chịu thuế khoảng 15%, còn nhôm của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ phải chịu thuế lên đến 374%, cao gấp 25 lần. Sau khi bị hải quan kiểm tra thực tế, doanh nghiệp này đã không làm thủ tục xuất khẩu đi Mỹ nữa mà chuyển sang nhập về Việt Nam.
Vụ việc dấy lên sự lo lắng về tình trạng Việt Nam có thể trở thành điểm trung chuyển của các mặt hàng có xuất xứ Trung Quốc nhằm né thuế xuất sang Mỹ. Trao đổi với báo chí, ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho rằng trong vụ việc nhập khẩu nhôm này, nếu xác minh có dấu hiệu gian lận xuất xứ, mượn Việt Nam để tạm nhập tái xuất nhằm lách thuế sẽ rất nguy hiểm.
“Nó sẽ khiến cho cả ngành nhôm bị liên lụy. Chỉ một công ty gian lận thì các công ty khác xuất mặt hàng đó cũng chịu ảnh hưởng theo. Thứ hai, nếu không xuất được mà để trong nước tiêu thụ sẽ triệt tiêu các doanh nghiệp trong nước” - ông Nguyên nhấn mạnh.
Phối hợp với Mỹ điều tra
Tổng cục Hải quan cho biết đã phối hợp với hải quan Mỹ xác minh về vụ kho nhôm khổng lồ tại Vũng Tàu. Các đặc vụ của Bộ An ninh nội địa Mỹ đã đến Việt Nam để phối hợp điều tra. "Hải quan Mỹ trao đổi với Tổng cục Hải quan , kể cả khi doanh nghiệp dùng thủ đoạn nhập khẩu nhôm thanh, nhôm thỏi, nhôm thành phẩm về đưa vào lò nấu thành nhôm thỏi rồi cán thành nhôm thanh cũng không đủ điều kiện có xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi. Không để Việt Nam thành điểm trung chuyển của hàng hóa gian lận thương mại" - đại diện Tổng cục Hải quan nhấn mạnh.