Từ khi đại dịch Covid bùng phát đến nay, đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN được các cơ quan Nhà nước ban hành. Tuy nhiên, từ chính sách đến thực tiễn vẫn còn khoảng cách rất lớn, còn nhiều ách tắc do thủ tục, cơ chế...
Chưa tiếp cận được nhiều
Khảo sát nhanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với trên 500 doanh nghiệp vào tháng 8/2021 cho thấy, các gói hỗ trợ đa số chưa phát huy hiệu quả, còn mang tính hình thức, thậm chí không khả thi.
Theo VCCI, các gói hỗ trợ lớn bao gồm: Chính sách tài khóa với trọng tâm là gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; Chính sách tiền tệ với trọng tâm là cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng; Chính sách hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội.
Các gói hỗ trợ chưa phát huy hiệu quả |
Với gói hỗ trợ về thuế, bao gồm giảm và hoãn tiền thuê đất, hoãn và giảm thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế và phí khác cho DN, chỉ có 35,3% số DN tham gia khảo sát đã tiếp cận được.
Tỷ lệ DN không tiếp cận được gói hỗ trợ về thuế cao phản ánh những khó khăn và bất cập trong quá trình triển khai thực hiện. Ngay cả trong số các DN tiếp cận được gói hỗ trợ về thuế, chỉ 15,69% cho là dễ dàng, còn gần 20% cho là khó và rất khó. Có 24,1% DN tiếp cận được cho biết, mức độ tác động của gói hỗ trợ về thuế đối với họ ở mức trung bình, còn 7,84% số DN cho biết có mức tác động thấp, chỉ có 3,27% số DN cho biết có mức tác động cao.
Rõ ràng, với tình hình tiếp cận rất hẹp và khó, mức độ đáp ứng thấp thì mức độ tác động cũng sẽ không đáng kể.
Gói hỗ trợ về vốn và tín dụng của Chính phủ, bao gồm cho vay vốn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất vay... đã được triển khai từ đầu năm 2020. Theo đó, thấy chỉ có 30,72% trong số 500 DN được hỏi cho biết đã tiếp cận được. Trong đó, ngành xây dựng có tỷ lệ DN tiếp cận được cao nhất với 45,45% và thấp nhất là các DN trong ngành công nghiệp với 25,45%.
Mặc dù đã giải ngân được gói hỗ trợ này cho DN, nhưng tình trạng vẫn còn chậm do những yêu cầu về thủ tục. Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ về vốn, tín dụng còn thấp do vấn đề quá trình thực thi. Chính phủ chỉ đạo quyết liệt nhưng trong khâu thực thi tại cơ sở ở các cấp, các ngành và địa phương còn gặp phải nhiều vấn đề. Ngoài ra, do DN không thể đáp ứng đủ tiêu chuẩn tín dụng bình thường của ngân hàng để vay vốn.
Chỉ một tỷ lệ rất nhỏ (0,65%) số DN cho biết gói hỗ trợ về vốn và tín dụng đáp ứng yêu cầu của DN. Về mức độ tác động của gói hỗ trợ, 21,57% số DN nhận xét chỉ ở mức trung bình, 5,88% thấp, chỉ có 3,27% cho biết có mức tác động cao. Ý kiến chung của các DN cho thấy phạm vi, mức độ tác động của gói hỗ trợ về vốn và tín dụng đối với DN vẫn còn rất hạn chế.
Gói hỗ trợ về an sinh, gồm cho DN vay vốn để trả lương người lao động, hỗ trợ người lao động, giảm và lùi thời gian đóng góp các quỹ về bảo hiểm xã hôi, đóng quỹ công đoàn,... Tính chung, chỉ có 23,53% số DN đã tiếp cận được, thấp nhất trong 3 gói hỗ trợ. Trong đó, chỉ có 9,15% số DN cho là tiếp cận dễ dàng, còn gần 17% cho là tiếp cận khó và rất khó.
Một số rào cản trong tiếp cận gồm khoảng cách giữa chính sách được ban hành và thực tiễn triển khai vẫn còn rất lớn. Thủ tục rườm rà, mất thời gian. Về mức độ đáp ứng yêu cầu của DN, kết quả khảo sát cho thấy chỉ một tỷ lệ rất nhỏ (1,13%) là đáp ứng được toàn bộ yêu cầu, có 17,65% cho biết chỉ mới đáp ứng được một phần và 7,2% cho biết chỉ đáp ứng được rất ít.
Tăng khả năng tiếp cận nguồn lực
Tổng hợp kết quả khảo sát, VCCI đánh giá về việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ qua từng giai đoạn cho thấy, một số chính sách như gia hạn đóng thuế thu nhập DN, gia hạn đóng thuế giá trị gia tăng nhìn chung dễ tiếp cận hơn cả. Việc cho vay với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất.
Tỷ lệ DN tiếp cận được với một số chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, cho vay ưu đãi còn thấp. |
Về tính hữu ích, có 3 chính sách được các DN đánh giá cao nhất bao gồm gia hạn đóng thuế giá trị gia tăng, gia hạn đóng thuế thu nhập DN và gia hạn nộp tiền thuê đất. Kết quả khảo sát cũng phản ánh những DN nào dễ tiếp cận thông tin về chính sách hỗ trợ hơn, thì có xu hướng đánh giá mức độ hữu ích của chính sách cao hơn.
Nhiều ý kiến của DN cho rằng, các gói hỗ trợ hiệu quả chưa cao hoặc thậm chí không khả thi. Chính sách giảm thuế thu nhập cho DN nhỏ và vừa không giúp được gì cho những DN bị ảnh hưởng nặng, thua lỗ. Các DN đã từng lập hồ sơ vay vốn ưu đãi, để trả lương cho người lao động năm 2020, đều không muốn tiếp tục vay gói hỗ trợ này vì thủ tục quá nhiêu khê, trong khi số tiền được phép vay không nhiều. Cần tổ chức đánh giá chi tiết hơn về tính hiệu quả của các gói hỗ trợ này.
Tại Hội nghị Thủ tướng gặp gỡ cộng đồng DN, diễn ra ngày 26/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thông tin, cộng đồng DN vẫn phản ánh một số hạn chế, tồn tại trong khâu thực thi, gây khó khăn về tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Đó là việc triển khai của một số chính sách còn khá chặt chẽ, cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ, chưa bao quát hết các tình huống phát sinh trong thực tế. Tỷ lệ DN tiếp cận được với một số chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, cho vay ưu đãi còn thấp, do thủ tục phức tạp, các điều kiện chưa phù hợp. Các mâu thuẫn còn tồn tại giữa các luật điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn chưa giải quyết triệt để, gây khó khăn cho DN.
Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang hoàn thiện, sửa đổi Nghị quyết này theo hướng giảm bớt thủ tục, sát với thực tế nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng.
Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đang khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023.
Trần Thủy