Từ kiến nghị nhiều mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, tới xăng dầu liên tục tăng giá trong khi “hầu bao” của nhiều người dân có thu nhập thấp vẫn phải thắt chặt vì dịch bệnh, đã khiến nguy cơ lạm phát bắt đầu len lỏi trong đời sống của người dân cũng như nền kinh tế. Mới đây, Bộ Tài chính đã có tờ trình dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết 31/12/2022.
Cắt giảm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường sẽ góp phần hạ nhiệt giá xăng dầu, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp và người dân (ảnh minh hoạ)
Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm 1.000 đồng/lít đối với mặt hàng xăng, xuống 3.000 đồng/lít. Những mặt hàng khác như dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn và dầu hỏa đều giảm 500 đồng/lít; mỡ nhờn giảm 500 đồng/kg. Riêng nhiên liệu bay được đề xuất giữ như mức hiện hành đang được giảm là 1.500 đồng/lít
Bộ Tài chính tính toán trường hợp giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ 1/4 đến hết 31/12 năm nay, thì số giảm thu ngân sách nhà nước (bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế GTGT) sẽ khoảng 11.982 tỷ đồng. Mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ 1/1/2023 thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, dự báo sẽ có một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá trong tháng 3 và các tháng còn lại của năm 2022. Trong đó, giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ xu hướng tăng giá trên thế giới và nhu cầu đầu tư, tiêu dùng trong nước khi kinh tế phục hồi như xăng dầu, gas vật liệu xây dựng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ du lịch…
Căn cứ diễn biến giá cả thị trường 2 tháng đầu năm và các dự báo cho năm 2022, vẫn có nhiều rủi ro cho việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm. Do vậy, “Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp về quản lý, điều hành giá, bình ổn giá cả thị trường; Chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu phục vụ đời sống người dân, nhất là những mặt hàng có xu hướng tăng giá như xăng dầu, gas, vật liệu xây dựng...
Bên cạnh đó, theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu và giá các mặt hàng nguyên vật liệu chính cho sản xuất trong nước đang hoặc dự báo có biến động tăng cao trên thị trường thế giới để có biện pháp quản lý, điều hành kịp thời để bình ổn thị trường nhất là đối với mặt hàng xăng dầu”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Riêng về kiến nghị điều chỉnh chi phí kinh doanh định mức trong giá cơ sở xăng dầu, Bộ Tài chính có ý kiến rằng, việc rà soát, đánh giá điều chỉnh chi phí trong kinh doanh xăng dầu đã và đang được Bộ Tài chính rà soát hàng năm theo quy định và cần phải dựa trên báo cáo chuyên đề chi phí kinh doanh được kiểm toán gửi về Bộ Tài chính (kỳ báo cáo chậm nhất là 31/3 hàng năm).
“Trong bối cảnh xu hướng giá thế giới tăng cao, thì việc tăng chi phí kinh doanh định mức trong giá cơ sở sẽ tác động thêm làm tăng giá xăng dầu trong nước và qua đó tác động đến người tiêu dùng. Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, để tiếp tục triển khai cho năm 2022 theo quy định, Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) đã có công văn số 95/QLG-TLSX ngày 18/02/2022 đề nghị các thương nhân đầu mối báo cáo chi phí kinh doanh theo quy định (gửi về trước 31/3/2022); trên cơ sở đó sẽ tổng hợp, rà soát và đánh giá”, Bộ Tài chính nêu.
Liên quan đến câu chuyện giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, TS. Vũ Thị Hồng Nhung, giảng viên kinh tế ĐH RMIT Việt Nam nhận định, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng cho quá trình phục hồi của cả nền kinh tế. Vì vậy, việc kiểm soát và giảm giá xăng dầu thông qua cắt giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ tác động tích cực trong việc hỗ trợ sản xuất cho các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm và dịch vụ với giá thành hợp lý.
“Mặt khác, chi tiêu cho xăng dầu cũng chiếm đến 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Cho nên, việc giảm giá xăng dầu sẽ không tạo ra áp lực chi tiêu trong hộ gia đình, giúp kích thích tiêu dùng và tăng tổng cầu của nền kinh tế”, TS. Vũ Thị Hồng Nhung đánh giá.
Cũng theo vị chuyên gia, việc giảm giá xăng bằng cách sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện không còn dư địa, nên việc giảm giá xăng dầu chỉ có thể thực hiện qua việc giảm các khoản thuế, phí, mà riêng thuế bảo vệ môi trường là còn nhiều dư địa nhất. Trước mắt, cắt giảm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường sẽ góp phần hạ nhiệt giá xăng dầu, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp và người dân trong thời gian tới.