Dù đây không phải là lần đầu tiên Bộ Tài chính có đề xuất hỗ trợ về thuế đối với nhóm doanh nghiệp này nhưng đây vẫn là tin vui cho hàng trăm ngàn doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hiện nay. Báo Hải quan đã có trao đổi với ông Đậu Anh Tuấn (ảnh), Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xung quanh vấn đề này.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa được giảm thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp xuống còn 15-17%, thay vì mức 20% như hiện nay. Ông đánh giá như thế nào về mức đề xuất này của Bộ Tài chính?
Tôi cho rằng đây là tin vui, tin đáng mừng cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Cuối cùng, tiến trình giảm thuế cho nhóm doanh nghiệp này đã và đang thực hiện đúng tinh thần của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và đã có được chuyển động tích cực.
Vừa rồi, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế gồm: Luật thuế Giá trị gia tăng, Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế Thu nhập cá nhân, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế Tài nguyên, Luật thuế Xuất nhập khẩu trong đó có nội dung này đã bị lui lại. Chính vì vậy, với việc tách nội dung về chính sách ưu đãi thuế cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, trình ban hành thành Nghị quyết của Quốc hội để hiện thực hoá chính sách quan trọng này là định hướng đúng đắn của Chính phủ và Bộ Tài chính.
Có ý kiến cho rằng, với mức thu nhập của doanh nghiệp nhỏ, nhất là siêu nhỏ, việc giảm mức thuế từ 3-5% chưa "thấm" vào đâu. Nhận định của ông về vấn đề này như thế nào?
Thực tế cho thấy, theo những con số gần đây của Tổng cục Thuế, chỉ khoảng gần 50% doanh nghiệp đang hoạt động có thu nhập để đóng thuế Thu nhập doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tất cả doanh nghiệp này đều đang phải chịu các gánh nặng khác về chi phí khác như hồ sơ, thủ tục, thuê kế toán, tuân thủ các điều kiện khác ... Chính vì vậy, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp dù chỉ là một giải pháp nhưng đó là một giải pháp rất tích cực đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Dù có giảm thuế ít hay nhiều nhưng đều mang ý nghĩa giảm gánh nặng cho nhóm doanh nghiệp còn nhiều khó khăn này.
Về phía các hộ kinh doanh, các chính sách ưu đãi thuế được đánh giá sẽ là "lực đẩy" giúp họ có thêm động lực "lớn" thành doanh nghiệp. Theo ông, động lực lần này đã đủ để thúc đẩy hộ kinh doanh chưa?
Việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp chính thức là chính sách quan trọng của Chính phủ. Tuy nhiên qua gần 2 năm thực hiện, tiến trình này chưa đi nhanh như kỳ vọng. Hầu hết các địa phương có số doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên rất ít, không đáng kể. Việc giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp lần này hy vọng rằng sẽ có thêm một động lực quan trọng để đẩy nhanh tiến trình này hơn.
Đồng thời, tôi cũng đánh giá cao việc Bộ Tài chính vào cuối năm 2018 đã ban hành Thông tư 132/2018/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Thông tư này cũng đã góp phần quan trọng thêm vào tiến trình thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tôi không lạc quan lắm khi cho rằng việc giảm thuế này đủ tạo ra một làn sóng chuyển đổi này. Các hộ kinh doanh ngại chuyển lên thành doanh nghiệp vì các thủ tục giấy tờ khi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp phức tạp hơn, tốn kém hơn, rủi ro hơn và còn phải tuân thủ các điều kiện như lao động, an toàn, phòng cháy, môi trường… Trong khi đó, với mô hình hộ kinh doanh các quy định, thủ tục này đơn giản hơn nhiều.
Để hoàn thành mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020, Chính phủ và trong đó có Bộ Tài chính cần phải làm những gì để hỗ trợ, động viên hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp và "nuôi dưỡng" những doanh nghiệp đang hoạt động, thưa ông?
Hiện chỉ còn gần 5 tháng nữa là hết năm 2019. Như vậy, từ nay đến hết năm 2020 chỉ còn chưa đến 1 năm rưỡi. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng doanh nghiệp tính đến cuối năm 2018 là 715.000 doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm những năm gần đây khoảng 130.000 doanh nghiệp. Do vậy, để đạt được con số 1 triệu doanh nghiệp như Chính phủ đã đặt mục tiêu là một thách thức rất lớn. Về mặt lý thuyết thì có thể đạt được nhưng chắc chắn cần những giải pháp hết sức quyết liệt và mạnh mẽ.
Bộ Tài chính trong những năm gần đây theo quan sát của tôi là đơn vị đi đầu, rất tích cực trong nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Khác với những bộ ngành khác, các chính sách từ Bộ Tài chính có tác động cực kỳ lớn và rất quan trọng đối với cả cộng đồng doanh nghiệp. Mong rằng thời gian tới, xu hướng này tiếp tục được Bộ Tài chính đẩy mạnh hơn nữa. Đặc biệt, động lực cải cách từ Bộ Tài chính sẽ đẩy công cuộc cải cách của Việt Nam đi nhanh hơn trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được giảm thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp xuống còn 15-17% thay vì mức 20% như hiện nay. Theo đó, thuế suất 15% sẽ áp dụng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người.
Thuế suất 17% áp dụng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ 3 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người.
Ngoài ra, để tránh các trường hợp doanh nghiệp thành lập các công ty con để được hưởng chính sách nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị quy định mức thuế suất 15%, 17% không áp dụng đối với công ty con, công ty có quan hệ liên kết mà doanh nghiệp trong quan hệ liên kết không phải là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và các trường hợp không áp dụng ưu đãi thuế theo quy định của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp.
Song song đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất miễn thuế Thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp thành lập mới từ hộ, cá nhân kinh doanh.
Bộ Tài chính chỉ rõ, tác động tiêu cực nếu giảm thuế và miễn thuế cho doanh nghiệp là có thể giảm thu ngân sách khoảng 9.200 tỷ đồng/năm.