Với những người lao động tự do như chị Khánh, thông tin thuế GTGT được Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (gọi tắt là Ban IV) đề xuất giảm từ 10% xuống 5% thực sự là 1 sự động viên rất lớn trong thời điểm thu nhập giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Với khoản nợ tới hơn 200 triệu đồng do con trai đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản không thành, phải trở về nước vì dịch COVID-19, chị Khánh buộc phải rời quê lên Hà Nội kiếm việc. Công việc phập phù lúc có lúc không trong khi các khoản chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày vẫn không thay đổi. Mức chênh lệch giá đôi khi chỉ có vài ba nghìn đồng cũng rất quý đối với chị.
"Giờ công việc tạm bợ lại thêm khoản nợ nữa nên tiết kiệm được đồng nào là tốt đồng đó. Giờ mà được giảm thuế GTGT 5% nữa, tôi thấy mừng lắm. Tôi chi tiêu ít, được giảm thuế ít nhưng dù chỉ vào nghìn đồng, tôi cũng mua thêm được vài món đồ nhỏ như hộp sữa hay gói bim bim cho các cháu ở nhà", chị Bùi Thị Khánh, Yên Lạc, Hoà Bình chia sẻ.
Không chỉ chị Khánh, với hầu hết người tiêu dùng, nếu thuế GTGT giảm 5% đều là thông tin tích cực trong tình hình hiện tại khi các khoản thu nhập giảm sút.
Với hầu hết người dân, giảm thuế GTGT là một dấu hiệu tích cực. Ảnh minh hoạ: Dân Trí.
"Khoản giảm mỗi lần mua sắm nhỏ đó giúp mình mua sắm thêm được nhiều thứ. Trong dịch COVID19 này, vấn đề về thu nhập cũng như chi tiêu cũng rất hạn chế nên giảm được bao nhiêu, người dân sẽ rất phấn khởi, đặc biệt là người phụ nữ hay đi mua sắm", chị Phạm Thu Hương, Nguyễn Chí Thanh, Quận Đống Đa, Hà Nội cho biết.
Khi người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn sẽ giúp doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá,qua đó kích thích sản xuất kinh doanh. Do vậy việc giảm thuế GTGT được xem là chính sách hỗ trợ có thể tác động trực tiếp tới mọi đối tượng trong xã hội, nhất là những đối tượng có thu nhập thấp.
Tuy nhiên theo các chuyên gia về thuế, hiện đã có 14 nhóm hàng hoá được hưởng mức ưu đãi thuế GTGT 5%. Việc đồng loạt giảm thuế GTGT còn 5% sẽ đánh đồng tất cả các hàng hoá dịch vụ, không tạo được sự ưu tiên cần thiết cho những mặt hàng cần khuyến kích. Chưa kể, thuế GTGT hiện là nguồn thu lớn nhất trong các sắc thuế, nếu chọn phương án giảm thuế GTGT để kích cầu tiêu dùng sẽ gây áp lực lớn lên cân đối ngân sách. Do thu giảm mạnh, trong khi chi lại tăng vọt khi các gói hỗ trợ kinh tế vào giai đoạn giải ngân.
Cũng theo các chuyên gia về thuế, thực tế thời gian qua cho thấy, không phải cứ giảm thuế, giá hàng hóa, dịch vụ mới giảm bởi các doanh nghiệp cũng sẽ có những chiến lược thích ứng phù hợp với diễn biến thị trường thời dịch bệnh. Chẳng hạn như với ngành hàng không hay khách sạn, dù thuế GTGT chưa giảm nhưng giá vé máy bay, tiền thuê phòng đã được điều chỉnh giảm rất mạnh trong thời gian qua.
"Không phải cứ giảm thuế, thì sẽ giảm giá. Thuế là 1 phần cơ cấu bên trong đó. Nếu trong trường hợp thị trường tốt lại, tự nhiên giá lên. Như vậy không phải là tăng thuế, lúc đó giá mới tăng. Cho nên, không phải cứ chính xác giảm thuế là giảm giá. Tại Việt Nam hiện nay, thuế suất thuế GTGT, mức cơ bản là 10%, mức ưu đãi là 5%. So mức thuế bình quân của thế giới thì thuế tại Việt Nam vẫn thấp hơn. Tôi cho rằng chúng ta sẽ tìm các biện pháp khác, chứ không nên tìm biện pháp giảm thuế GTGT để kích cầu", bà Nguyễn Thị Cúc Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho biết.