Chính phủ vừa ban hành Nghị định 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Theo đó, bên cạnh việc điều chỉnh thuế tuyệt đối đối với mặt hàng ôtô đã qua sử dụng nhập khẩu, nghị định cũng điều chỉnh và bổ sung danh mục hàng hóa được hưởng thuế ưu đãi.
Đáng chú ý là trong đó, nhóm mặt hàng có mã hải quan 98.49 với khoảng 30 bộ linh kiện ôtô bắt đầu được giảm thuế suất thuế nhập khẩu xuống còn 0% trong khoảng thời gian 5 năm.
Quãng thời gian áp dụng thuế suất 0% dù không dài song theo nhận định, cũng đủ để các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước tận dụng tăng sản lượng, giảm giá thành, qua đó đủ sức "ứng phó" với làn sóng ôtô nguyên chiếc (CBU) nhập khẩu từ các nước khu vực Đông Nam Á.
Động tác giảm thuế nhập khẩu linh kiện được cho là cần thiết nhằm giúp ngành công nghiệp ôtô trong nước vượt qua khó khăn. Bởi lẽ, chỉ còn hơn một tháng nữa, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô CBU từ các nước khu vực Đông Nam Á theo lộ trình tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) sẽ chính thức giảm về 0%.
Sức ép từ ôtô nhập khẩu cũng đã rất rõ ràng. Kể từ đầu năm đến nay, kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU từ hai quốc gia khu vực Đông Nam Á là Thái Lan và Indonesia đã chiếm tỷ trọng rất lớn cả về lượng lẫn giá trị trong tổng kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, cộng dồn 10 tháng năm 2017, tổng lượng ôtô CBU nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia đã đạt trên 45.000 chiếc, chiếm đến 62% tổng lượng ôtô nhập khẩu từ tất cả các nước trên thế giới. Giá trị kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU từ hai quốc gia này trong cùng giai đoạn cũng đạt hơn 815 triệu USD, chiếm 61%.
Đáng lưu ý là các con số thống kê nêu trên đạt được ngay khi thuế suất thuế nhập khẩu ôtô CBU từ các nước khu vực Đông Nam Á vẫn ở mức 30%. Do đó, nguy cơ ôtô lắp ráp trong nước bị "đè bẹp" bởi ôtô xuất xứ từ Thái Lan và Indonesia khi thuế suất chính thức về 0% là rất lớn.
Cũng bởi vậy mà ngay từ đầu năm nay, nhiều hãng xe đã liên tiếp tung ra những đợt giảm giá bán lẻ, từ đó tạo nên một "cơn bão" giảm giá lớn chưa từng có tại thị trường ôtô Việt Nam.
Tuy nhiên, chống chọi bằng giảm giá vốn không phải là phải pháp bền vững. Do đó, có thể coi Nghị định 125 của Chính phủ như một sự trợ giúp dành cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước.
Theo tính toán, với thuế nhập khẩu linh kiện 0%, giá bán lẻ của một số loại xe đáp ứng được các điều kiện theo Nghị định 125 sẽ giảm khoảng 5%. Trên thực tế, ngay khi Nghị định 125 được Chính phủ ban hành, một số hãng xe có thị phần lớn như Hyundai Thành Công và Trường Hải (Mazda và Kia) cũng đã áp dụng bảng giá bán lẻ theo thuế linh kiện mới.
Tỷ lệ giảm giá trên mỗi chiếc xe và số lượng xe hưởng giảm giá từ thuế nhập khẩu linh kiện 0% là không nhiều. Tuy nhiên, đây cũng vẫn sẽ là một chỗ dựa để ôtô trong nước cạnh tranh tốt hơn với ôtô nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia kể từ năm 2018.