PV: Như ông đã biết, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết, trong đó giao Chính phủ thực hiện một số giải pháp cấp bách ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị quyết trong đó đề xuất tiếp tục giảm thuế cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng, dự kiến số tiền thuế sẽ giảm khoảng 20.000 tỷ đồng. Ông đánh giá như thế nào về chủ trương này?
Ông Nguyễn Văn Được: Tôi cho rằng trước bối cảnh doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng nặng của dịch bệnh Covid-19, làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, doanh nghiệp lao đao, phải tạm ngừng hoạt động, người dân và người lao động hết sức khó khăn, Chính phủ đã tính đến các giải pháp tiếp theo để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bên cạnh chính sách giảm thuế theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP và các chính sách hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết 68… là một chủ trương đúng đắn và hợp lý, nhằm tiếp tục đồng hành, hỗ trợ với cộng đồng doanh nghiệp và người dân vượt khó do dịch Covid-19.
Chính sách này là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay bởi vì nó như những nguồn máu cứu sinh cho doanh nghiệp và người dân dưới góc độ tài chính.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, gói hỗ trợ này có quy mô gần 20.000 tỷ đồng, điều đó có nghĩa là nền kinh tế, khối tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp được sử dụng toàn bộ nguồn tài chính 20.000 tỷ đồng vào việc duy trì sản xuất kinh doanh để vượt qua khó khăn như trả lương, mặt bằng và các chi phí cần thiết mà không phải đi vay, không phải trả lãi vay và đặc biệt không phải hoàn trả lại ngân sách nhà nước.
Hay nói cách khác, chính sách giảm thuế không giống như chính sách gia hạn, bởi lẽ doanh nghiệp và người dân được thụ hưởng trọn vẹn mà không phải hoàn trả trong tương lai.
Chính sách này là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay bởi vì nó như những nguồn máu cứu sinh cho doanh nghiệp và người dân dưới góc độ tài chính.
Ông Nguyễn Văn Được
Nhà nước, Chính phủ luôn quyết tâm đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ mọi khó khăn một cách kịp thời và hiệu quả cho doanh nghiệp.
Từ những tác động vô cùng to lớn của chính sách này trong bối cảnh hiện nay, thiết nghĩ Chính phủ cần quyết tâm và sớm trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua theo thủ tục rút gọn để chính sách này sớm đến với người dân, doanh nghiệp và phát huy được tính khả thi, hiệu quả.
PV: Theo dự thảo Nghị quyết, doanh nghiệp, người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ được giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021, giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề; giảm 30% mức thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong một số nhóm lĩnh vực dịch vụ; miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, năm 2019, năm 2020. Theo ông, mức hỗ trợ này có hợp lý không?
Ông Nguyễn Văn Được: Theo cá nhân tôi, trong tất cả các gói hỗ trợ nêu trên, thì chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho các hàng hóa dịch vụ cần được thực hiện, triển khai cấp thiết, bởi hiệu quả của chính sách này là vô cùng to lớn đối với mục tiêu kép của chúng ta.
Theo đó, giảm thuế GTGT đồng nghĩa với việc giảm giá bán, tức là người dân sẽ được mua hàng hóa dịch vụ với mức giá thấp hơn, điều này hoàn toàn cần thiết và phù hợp với bối cảnh bão giá các sản phẩm hàng hóa đang tăng do ảnh hưởng của chuỗi cung ứng bị gãy tại một số nút thắt và hoàn toàn phù hợp, cấp thiết trong bối cảnh người dân, người lao động khó khăn do giảm lương, mất việc...
Bên cạnh đó, khi giảm thuế, giá bán giảm sẽ làm kích cầu, từ đó giúp cho nhà sản xuất bán được nhiều hàng hóa dịch vụ hơn, có tác động tích cực hỗ trợ cho khâu sản xuất, lưu thông của doanh nghiệp.
Chính vì vậy, tôi cho rằng mức giảm thuế GTGT 30% cần được xem xét theo hướng khả quan hơn để phát huy hiệu quả của chính sách một cách mạnh mẽ, toàn diện nhằm đảm bảo được mục tiêu kép. Mặt khác cũng cần mở rộng đối tượng được áp dụng giảm thuế GTGT cho hàng hóa dịch vụ tiêu dùng, thiết yếu bên cạnh những hàng hóa dịch vụ thuộc lĩnh vực ngành nghề ảnh hưởng của Covid-19 như kế hoạch đề ra.
Đối với chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cũng cần nâng tỷ lệ giảm từ 30% theo kế hoạch lên mức phù hợp đối với các doanh nghiệp, bởi vì không chỉ quý III/2021 doanh nghiệp gặp khó khăn và dự báo những khó khăn này vẫn tiếp tục kéo dài và thường trực trong quý IV/2021 cũng như thời gian tiếp theo.
Về giảm thuế cho hộ cá nhân kinh doanh, cũng cần có sự điều chỉnh cho hợp lý với từng đối tượng. Theo đó có thể xem xét miễn thuế của hộ, cá nhân kinh doanh trong quý III và IV năm 2021 đối với những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh khi thực hiện các Chỉ thị 16 của Chính phủ, bởi lẽ các đối tượng này vốn dĩ không có sức đề kháng về tài chính để ứng phó với khó khăn dịch bệnh. Đối với các hộ, cá nhân còn lại tại các địa phương không bị ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, nên giảm 50% thuế của quý III và IV năm 2021 như kế hoạch đã đặt ra.
Chúng ta cũng cần lưu ý rằng, chính sách miễn tiền chậm nộp là rất cần thiết để giúp doanh nghiệp, người dân không phát sinh khoản lãi do chậm nộp tương ứng với chính sách gia hạn thuế. Tuy nhiên chính sách này cần quan tâm về đối tượng áp dụng, mở rộng hơn ngoài những doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ năm 2018, 2019 và năm 2020 như kế hoạch.
Theo tôi nên miễn tiền chậm nộp cho tất cả các doanh nghiệp thuộc đối tượng gia hạn thuế năm 2020 nếu sau thời gian gia hạn, hoặc hết thời hạn nộp thuế mà thực tế khó khăn thì được miễn tiền chậm nộp năm 2020 và 2021 như dự kiến đề ra nhằm đồng bộ chính sách nhất quán của Chính phủ từ năm 2020 đến nay.
PV: Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Điều mà cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi, cần nhất lúc này về chính sách thuế là gì?
Ông Nguyễn Văn Được: Hầu hết các doanh nghiệp và người dân hiện nay mong mỏi chính sách thuế theo phương án khoan sức dân, nghĩa là cần có chính sách gia hạn, miễn giảm ở mức tối đa, đủ để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, sản xuất kinh doanh từng bước phát triển, đóng góp vào ngân sách nhà nước trong thời gian tương lai.
Bên cạnh đó, người dân và doanh nghiệp cũng rất cần những chính sách hỗ trợ thực sự thiết thực và khả thi tác động nhanh, mạnh, toàn diện và đồng bộ, chính sách phải tường minh, dễ hiểu, dễ áp dụng. Ngoài ra cũng cần cân nhắc đến chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chính sách tiếp cận vốn, lãi suất tín dụng cũng là những chính sách cực kỳ quan trọng và cấp thiết bên cạnh chính sách thuế.
PV: Xin cảm ơn ông!
Cần sớm ban hành Nghị quyết để hỗ trợ kịp thời cho người nộp thuế Ông Nguyễn Văn Được cho rằng, với những tác động tích cực của những chính sách hỗ trợ này cần được khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, thẩm định và thông qua Nghị quyết trên cơ sở thực tiễn và kinh nghiệm từ các chính sách của năm 2020 trở về trước để làm sao khi nghị quyết ban hành ra có hiệu lực và thực hiện được ngay, tránh những lúng túng không cần thiết. Cần thiết kế các hồ sơ, thủ tục đơn giản, gọn nhẹ trên cơ sở áp dụng công nghệ thông tin dưới sự kiểm tra, giám sát (hậu kiểm) của ngành Thuế. Ngoài ra, ngành Thuế, cơ quan báo chí thông tấn cần thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời các chính sách này tới người dân, doanh nghiệp để phát huy hiệu quả của chính sách được tốt nhất, tránh những rủi ro hoặc thiệt thòi không đáng có cho người nộp thuế.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)