Khích lệ DN vừa và nhỏ
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Đỗ Đình Hiệu - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội DN Thanh Hoá - tỏ ra rất hào hứng với tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét giảm thuế TNDN xuống 15-17% và nhận định “đó là động thái khích lệ, nuôi dưỡng nguồn thu tạo điều kiện cho DN phát triển mạnh mẽ hơn nữa, ảnh hưởng tích cực tới DN”.
Cùng quan điểm Phó Chủ tịch Hiệp hội DNVVN tỉnh Thái Nguyên - Lương Văn Thưởng khẳng định việc giảm thuế TNDN là rất tốt vì giúp giảm được nhiều chi phí cho DN. Tuy nhiên, ông Thưởng cũng kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ giảm thuế suất (VAT), hỗ trợ tiếp cận quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNVVN bởi Việt Nam có trên 90% DNVVN nhưng phần lớn chưa tiếp cận được với nguồn quỹ bảo lãnh tín dụng. “Cụ thể như: Thái Nguyên có gần 6.000 DN nhưng mới chỉ có duy nhất 1 DN tiếp cận được nhưng cũng chỉ ở mức 10-15%. Do vậy, để tháo gỡ khó khăn cho DN phát triển không chỉ có thuế TNDN mà cần nhiều sự hỗ trợ khác, vì thuế TNDN vẫn ở mức thấp, 100 triệu lợi nhuận mới phải nộp 18-20 triệu, trong đó lại chia đều cho 12 tháng thì cũng không lớn” - ông Thưởng cho biết.
Còn theo Giám đốc Cty Xây dựng điện Đa Phúc - Nguyễn Hồng Cầu, hiện mức thuế TNDN đang ở mức 22% là quá cao và DN đã có nhiều lần đề nghị với lãnh đạo huyện Đông Anh và UBND TP.Hà Nội kiến nghị với Chính phủ về việc tiết giảm thuế TNDN xuống còn 15-16% nhưng nhiều năm qua vẫn chưa thực hiện được. “Việc giảm thuế TNDN sẽ tạo điều kiện cho DN củng cố lại hoạt động SXKD từ đóng BHXH cho NLĐ, nhất là các DN có đông lao động. Nếu được giảm khoảng 7% thuế TNDN sẽ giúp DN tăng chủ động và sẽ có nhiều tự chủ trong hoạt động SXKD” - ông Cầu chia sẻ.
Các chuyên gia cũng nhận định với các DNVVN, mức giảm thuế có thể không quá nhiều nhưng là nguồn động viên lớn với DN cho thấy sự quan tâm hỗ trợ từ Chính phủ với các DN vừa và nhỏ. Ông Đào Huy Giám - Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam - đánh giá, thời gian qua, Chính phủ, Quốc hội, Bộ Tài chính luôn cố gắng đưa thuế TNDN giảm xuống từ 25 - 22% rồi 20% trong khi, ở các nước khác thì nằm trong mức khoảng 20-26%. Do đó, đề xuất giảm thuế TNDN nhỏ và siêu nhỏ là một đề xuất tích cực.
Doanh nghiệp nào được hưởng lợi
Theo đại diện Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, đề xuất giảm thuế TNDN được bộ đưa ra từ giữa năm 2017 và đang trong giai đoạn hoàn thiện để báo cáo Chính phủ trình lên Quốc hội để đưa vào chương trình nghị sự trong kỳ họp tháng 5 tới. Theo đó, mức thuế TNDN 15% sẽ được áp dụng đối với các DN siêu nhỏ có tổng doanh thu năm dưới 3 tỉ đồng.
Còn các DN vừa và nhỏ có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 200 người; đồng thời đáp ứng điều kiện có tổng doanh thu năm từ 3 tỉ đồng đến 50 tỉ đồng được áp dụng thuế suất 17%. Tuy nhiên, để tránh các trường hợp DN thành lập các công ty con để được hưởng chính sách nêu trên, dự thảo của Bộ Tài chính cũng quy định mức thuế suất 15%, 17% không áp dụng đối với DN là các công ty tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công ty con mà công ty mẹ nắm giữ từ 25% vốn chủ sở hữu của công ty con trở lên. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính còn đề xuất sửa đổi về ưu đãi thuế theo hướng tiếp tục khuyến khích đầu tư vào các ngành sản xuất các sản phẩm có GTGT lớn, các ngành công nghiệp hỗ trợ, sử dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, dịch vụ chất lượng cao, lĩnh vực xã hội hóa...
Theo ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), chủ trương sửa đổi chính sách thuế lần này sẽ hỗ trợ cho một lớp đối tượng rất rộng trong cộng đồng DN. DN vừa và nhỏ được giảm thuế đương nhiên cũng sẽ tạo tâm lý sẵn sàng kinh doanh cho họ. Khi DN kinh doanh tốt thì kinh tế sẽ phát triển, trong đó sự đóng góp của DN vào ngân sách cũng tốt hơn cho dù chúng ta giảm thuế suất.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 97 - 98% tổng số DN đang hoạt động tại Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội và được xác định là "động lực tăng trưởng" của nền kinh tế. DNVVN hiện đóng góp khoảng 45% GDP, 31% tổng số thu ngân sách, khoảng 35% vốn đầu tư của cộng đồng DN và tạo ra khoảng 52% việc làm cho toàn xã hội.