Nỗ lực giảm tỷ lệ tiền mặt
Với lối sống hiện đại cùng với việc được sinh sống tại một thành phố lớn là Thủ đô Hà Nội, chị Phương Dung (quận Đống Đa) thường xuyên mua sắm đồ dùng, nhu yếu phẩm cho gia đình tại các siêu thị, cửa hàng lớn. Vì thế, phương thức thanh toán chủ yếu của chị là qua thẻ tín dụng, thẻ ATM hoặc sử dụng các ứng dụng thanh toán trên di động đang được nhiều ngân hàng cung cấp. Ngoài ra, việc thanh toán các dịch vụ truyền hình, điện, nước… cũng được chị Dung đăng ký thanh toán qua ngân hàng.
Tuy nhiên, chỉ bước ra đến ngoại thành Hà Nội, mọi chuyện đã thay đổi. Cô Vũ Thị Hoa (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, khi lương được chuyển về tài khoản ngân hàng, ngay lập tức cô sẽ rút hết để chuyển hoàn toàn sang sử dụng tiền mặt, bởi mọi người ở đây hầu hết mua sắm tại chợ hay các cửa hàng nhỏ lẻ. Thậm chí, cô Hoa còn chia sẻ, dù có thẻ ATM nhưng cô không biết thanh toán qua thẻ là như thế nào…
Trên đây là hai ví dụ điển hình cho xu hướng thanh toán hiện nay của người dân Việt Nam, cho thấy tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt trong dân còn rất lớn. Nhất là khi tỷ lệ người dân sống ở nông thôn cao (khoảng 70%) nên số lượng người dân có tài khoản ngân hàng mới chỉ chiếm khoảng 30%.
Dù vậy, ở mặt tích cực hơn, đối với các DN, việc thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến, đặc biệt đối với các hoạt động về thuế, phí. Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thuế, tính đến ngày 30/11, đã có hơn 2,7 triệu giao dịch nộp thuế điện tử với số tiền hơn 469 nghìn tỷ đồng; cả nước đã có hơn 631 nghìn DN tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99,82% tổng số DN. Trong lĩnh vực hải quan, chỉ sau 1 tháng thực hiện đề án nộp thuế điện tử 24/7 của Tổng cục Hải quan, đã có hơn 1.500 giao dịch thành công với hơn 200 tỷ đồng tiền thuế được nộp qua Cổng thanh toán điện tử của Tổng cục Hải quan và đang tiếp tục tăng theo từng ngày.
Chính vì thế, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán tiếp tục có xu hướng giảm, từ 14,02% năm 2010 xuống còn 11,45% vào tháng 8/2017. Điều này có được là nhờ nỗ lực của Chính phủ cùng các cơ quan quản lý trong việc thực hiện theo Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu của đề án là đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%; nâng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng lên mức ít nhất 70%; hoàn thiện, tăng cường kết nối xử lý giải pháp trao đổi thông tin dữ liệu giữa các cơ quan trong ngành Tài chính với hệ thống ngân hàng để đáp ứng tốt hơn yêu cầu phối hợp thu ngân sách nhà nước bằng phương thức điện tử…
Đẩy lùi tiêu cực
Theo các chuyên gia, xét theo các tiêu chí để xác định một quốc gia có nguy cơ bị tội phạm lạm dụng để rửa tiền thì Việt Nam có nguy cơ khá cao. Một trong những nguyên nhân chính là Việt Nam có nền kinh tế đang phát triển với thói quen sử dụng tiền mặt. Vì thế, thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giúp tăng cường sự kiểm tra lẫn nhau giữa các cá nhân, tổ chức kinh tế; là một trong những phương thức thẩm định uy tín cá nhân, tổ chức trên thị trường; tạo điều kiện cho cơ quan quản lý kiểm soát dòng tiền trong nền kinh tế cũng như các hành vi liên quan đến hoạt động buôn lậu, tham nhũng, hoạt động kinh tế ngầm…
Với những lợi ích như trên, việc phát triển nhanh thanh toán không dùng tiền mặt đã được nhiều cơ quan chú trọng; đặc biệt, hệ thống ngân hàng gần như bước vào cuộc chạy đua thay đổi công nghệ, dịch vụ để bước vào cuộc cách mạng công nghiệp số, ngân hàng số.
Theo chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển dịch vụ tài chính số khi hành vi khách hàng và các công ty Fintech đang có tốc độ phát triển nhanh. Chính vì thế, thời gian qua tại Việt Nam, thương mại điện tử đã đạt 5 tỷ USD vào năm 2016 và có thể đạt 10 tỷ USD trong 5 năm tới, có 62% lượng người mua sắm đã tham gia mua bán trên mạng, Việt Nam có khoảng 44% khách hàng của ngân hàng dùng các dịch vụ ngân hàng số. Tính riêng việc thanh toán qua mã QR cũng có tốc độ phát triển nhanh chóng, từ đầu năm 2017 đến hết tháng 9, thanh toán qua hình thức này đã tăng 120%, nên dự báo đến hết năm 2018, sẽ có 50.000 điểm thanh toán qua mã QR so với 5.000 điểm vào tháng 9/2017.
Tuy nhiên, khó khăn đối với Việt Nam trong việc thay đổi hình thức thanh toán từ tiền mặt sang phi tiền mặt vẫn rất lớn. Thách thức không chỉ đến từ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin mà còn từ thói quen dùng tiền mặt của người tiêu dùng đã rất sâu sắc. Vì thế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân đối với các dịch vụ tài chính ngân hàng điện tử, đặc biệt là phải giải tỏa tâm lý lo ngại của người dân đối với an toàn của thanh toán điện tử. Hơn nữa, các cơ quan quản lý cần tăng cường, có hành lang pháp lý để bảo vệ quyền lợi của các bên có liên quan, của người dân, DN, khách hàng cũng như bản thân các định chế tài chính khi cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; cần hạ tầng công nghệ thông tin ổn định, đảm bảo để trong quá trình tác nghiệp không có sự cố xảy ra.
Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế, TS.LS. Bùi Quang Tín cho rằng, đối với các DN, cản trở lớn nhất trong việc sử dụng dịch vụ điện tử chính là sự lo ngại về độ an toàn bởi thời gian qua xảy ra nhiều vụ tiền trong tài khoản bỗng dưng biến mất. Vì vậy, để tăng niềm tin về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, ngành ngân hàng cần nâng cấp hạ tầng công nghệ để nâng cao độ tin cậy cho khách hàng; cùng với đó, hạ tầng công nghệ của cơ quan hành chính như thuế, hải quan cũng cần nâng cấp để việc khai báo và nộp thuế được đơn giản, thuận tiện hơn.
Trên thực tế, để đảm bảo hiệu quả của việc sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, các quốc gia đều phải đưa ra biện pháp để quản lý chặt chẽ, khuyến khích người dân, DN sử dụng. Tiêu biểu như tại Trung Quốc, thị trường thanh toán di động đang bùng nổ nhờ mã QR. Vì thế, để kiểm soát chất lượng tăng trưởng của thanh toán qua di động, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã yêu cầu các đơn vị cung cấp giải pháp thanh toán tham gia một liên minh thanh toán Internet phi ngân hàng. Mục đích của thay đổi này là để Ngân hàng Trung ương Trung Quốc kiểm soát tất cả các kênh thanh toán với dữ liệu liên quan, nhằm tránh các hành vi đánh cắp tài sản, rửa tiền, đồng thời thiết lập một cơ chế tài chính an toàn cho người dùng; giúp các thông tin thị trường có tính sẵn sàng, minh bạch hơn.
Với cơ quan quản lý, thời gian qua cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng để quản lý thanh toán không dùng tiền mặt nhưng vẫn cần hành lang pháp lý đồng bộ hơn. Bởi các chuyên gia cho rằng, đây là lĩnh vực có tốc độ thay đổi chóng mặt nên hệ thống pháp luật phải có tính tiên lượng cùng quy định chặt chẽ. Đây là vấn đề cần sự vào cuộc cùng quyết tâm của nhiều bên, bởi thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ là vấn đề bắt kịp xu thế mà còn là giải pháp hiệu quả để đẩy lùi các vấn nạn tham nhũng, rửa tiền, trốn thuế, giúp làm trong sạch hoạt động tài chính.