Thuận lợi từ giãn ATIGA với ngành đường
Mới đây, Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương, tiếp tục áp dụng quy định về hạn ngạch thuế quan đối với ngành đường đến hết năm 2019. Việc thực hiện cam kết theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đối với ngành đường sẽ được giãn 2 năm, áp dụng từ năm 2020.
Bộ Nông nghiệp cũng được giao nhiệm vụ khẩn trương triển khai quy hoạch ngành mía đường, tái cơ cấu, sắp xếp lại các doanh nghiệp sản xuất; có biện pháp phối hợp với Hiệp hội mía đường đảm bảo lợi ích người trồng mía khi Chính phủ thực hiện chính sách hạn ngạch thuế quan với ngành.
Thông tin này, theo đánh giá từ Công ty cổ phần Thành Thành Công Biên Hòa (Mã: SBT) là tích cực và thuận lợi cho ngành mía đường. Việc giãn hiệp định là cơ hội cho 11.000 hộ nông dân trồng mía, 38.000 người lao động thích ứng chuẩn bị cho hội nhập. Điều này cũng được xem là phù hợp khi Chính phủ các quốc gia có thế mạnh về đường trong khu vực như Thái Lan và Philippines đang trợ cấp mạnh mẽ ngành đường của họ cũng như triển khai các hoạt động bảo hộ thương mại.
Tại hội thảo do SBT tổ chức mới đây, các chuyên gia trong ngành cũng cho biết theo dự báo của Rabobank, giá đường thế giới được cho là chạm đáy vào tháng 5 và kỳ vọng sẽ bật tăng trở lại, phục hồi trong 3 tháng cuối năm 2018. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo sản lượng đường toàn cầu niên độ 2018 - 2019 sẽ sụt giảm 4 triệu tấn do hạn hán nghiêm trọng ở Brazil. Các quỹ đầu cơ hàng hóa gia tăng mua vào và Ấn Độ xây dựng kho dự trữ đường dẫn đến hạn chế xuất khẩu đường ra thế giới. Đồng thời giá xăng dầu phục hồi mạnh khiến cho nhu cầu sử dụng xăng sinh học nhiều hơn và hoạt động sản xuất Ethanol tăng trở lại.
Riêng ngành đường Việt Nam cũng đang sở hữu nhiều cơ hội nhờ tăng trưởng kinh tế mở rộng với GDP dự kiến đạt 6,8% năm 2018 (theo đánh giá của World Bank), tầng lớp trung lưu và giàu có (MAC) với tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) 2012 - 2035 đạt 13%. Ngoài ra cơ cấu dân số trẻ, độ tuổi bình quân là 31 tuổi và tốc độ đô thị hóa nhanh nhất ASEAN cũng sẽ là một trong những yếu tố cộng hưởng hỗ trợ.
Mức tiêu thụ đường đầu người Việt Nam chỉ đạt 17,5 kg năm 2017, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực ASEAN như Philippines (23,5 kg), Indonesia (24,6 kg), Thái Lan (43,4 kg) và Malaysia (57,9 kg). PwC dự báo đến năm 2026, tiêu thụ đường bình quân đầu người Việt Nam sẽ đạt 26 kg, nhưng vẫn rất khiêm tốn so với các nước.
Các chuyên gia đánh giá đây đều là những tín hiệu đáng mừng hỗ trợ cho ngành đường Việt Nam trong quá trình hội nhập cũng như đón nhận một cuộc cạnh tranh mới khi ATIGA có hiệu lực.
Bước đi của các doanh nghiệp trong ngành
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) cho biết khi ATIGA có hiệu lực, thị trường ngành đường có thể sẽ vô cùng thú vị và cạnh tranh ác liệt. Giá thành đường của Việt Nam sẽ kiểm soát bằng hoặc hơn Thái Lan một chút, do đó nông dân sẽ dịch chuyển sang các giống cây trồng khác. Tuy nhiên, TTC có những công nghệ kế thừa, mang tính cạnh tranh, hiện đại nên có đủ sức nhập đường nguyên liệu từ các cường quốc như Brazil, Thái Lan để sản xuất trong tương lai.
Thành Thành Công Biên Hòa (SBT) hiện nay dẫn đầu ngành đường Việt Nam với thị phần nội địa xấp xỉ 40%, có 9 nhà máy luyện đường từ đường thô và mía trong đó các trung tâm luyện Đường thô lớn là Nhà máy TTCS - Tây Ninh, Nhà máy Biên Hòa - Ninh Hòa. SBT cũng sở hữu tới 62.000 ha vùng nguyên liệu, chiếm 25% diện tích vùng nguyên liệu cả nước. Ông Thành cho rằng sở dĩ có được vùng nguyên liệu lớn trên là do SBT mua lại công ty đường Hoàng Anh Gia Lai. Điều này là minh chứng cho việc SBT đã chuẩn bị cho các vấn đề hội nhập từ rất sớm và chú trọng phát triển vùng nguyên liệu tự có.
Cũng để chuẩn bị đón ATIGA, ông Thành cho biết SBT đang đa dạng hóa các sản phẩm đường và sau đường. Không chỉ có đường vàng, đường organic, SBT còn phát triển mật rỉ, điện thương phẩm, nước đóng chai ép từ mía, phân vi sinh hữu cơ. Không chỉ phân phối tại Việt Nam qua các nhóm khách hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, SBT còn sản xuất đường organic xuất khẩu đi các thị trường nước ngoài như Mỹ, Singapore và khả năng sẽ tăng dần sản lượng trong thời gian tới. Theo đại diện TTC, đây là đường dùng cho cà phê để tăng vị thơm ngon, được tiêu thụ qua kênh bán lẻ với sản lượng khoảng 6.000 tấn/năm.
Ngoài ra SBT còn có đường tinh luyện cao cấp RE, Đường vàng và Đường thỏi được xuất vào những thị trường ngoài Mỹ như Trung Quốc, Sri Lanka, Myanmar, Singapore và Keynia.
Tương tự, công ty cổ phần mía đường Lam Sơn (LSS) cũng củng cố lại vùng nguyên liệu mía, ổn định diện tích khoảng 13.000 ha; thành lập công ty phát triển nguyên liệu để cung ứng các dịch vụ chăm sóc, phân bón, chuyển giao công nghệ; xây dựng chuỗi giá trị liên kết bền vững từ đồng ruộng đến nhà máy, đến người tiêu dùng.
Riêng niên độ 2017 - 2018, công ty đặt mục tiêu 3 không nhằm tăng năng suất, chất lượng: Không có hộ diện tích dưới 1ha, không có mía năng suất dưới 70 tấn/ha và không có mía dưới 8 trữ đường (CCS). LSS phấn đấu đưa tăng trưởng hàng năm trên 20%, mục tiêu đến niên độ 2019 - 2020 đạt 500 tỷ đồng lãi trước thuế.
Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội mía đường đánh giá việc giãn thời hạn áp dụng ATIGA có thể giúp doanh nghiệp Việt chuẩn bị tốt hơn cho hội nhập. Theo ông về lâu dài, ngành mía đường cần một chính sách phát triển đồng bộ và bền vững. Ngành có thể xây dựng vùng thí điểm cho sản xuất cơ giới hoá, giảm chi phí và giá thành; thành lập Quỹ phát triển mía đường, do doanh nghiệp đóng góp nhưng có “vốn mồi” từ trích từ nguồn đấu giá hạn ngạch mía đường đồng thời, cần nhanh chóng trình Thủ tướng đăng ký xây dựng Luật Mía đường...
Đặc biệt, ông Doanh cho rằng Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ sản phẩm sau đường và cạnh đường. Điện sinh khối là nguồn thu lớn với doanh nghiệp đường, có những doanh nghiệp thu vài trăm tỷ đồng/năm bởi nguồn này. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản phẩm sau đường này để doanh nghiệp tăng cường tiềm lực trong cảnh hội nhập.