Biến chủng Delta đã khiến cả Đông Nam Á chật vật đối phó với làn sóng Sars-CoV-2. Nhiều nước trong đó có Việt Nam đã phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội ở nhiều thành phố lớn để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Và để tích trữ lương thực trong những ngày giãn cách xã hội không có gì dễ hơn là tích trữ mì gói, vừa nhanh, vừa tiện, giá cả phải chăng.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội mì ăn liền thế giới, trong năm 2020 đã có 116,5 tỷ gói mì được tiêu thụ trên toàn cầu, tăng 10 tỉ gói so với năm trước, tương đương mức tăng 9,47%.
Top các nước ăn mì nhiều nhất thế giới năm 2020 là Trung Quốc/Hong Kong (46,35 tỉ gói), Indonesia (12,46 tỷ gói), Việt Nam (hơn 7 tỷ gói), Ấn Độ (6,7 tỷ gói), Nhật Bản (5,97 tỉ gói), Mỹ (5,05 tỉ gói)….
Đáng chú ý, nếu tình theo bình quân đầu người thì Việt Nam đứng top 2 thế giới, mỗi người tiêu thụ bình quân hơn 72 gói mì/năm, chỉ xếp sau Hàn Quốc (80,6 gói mì/người/năm), cao gấp rưỡi Thái Lan, Nhật Bản, Indonesia, Philippines và gấp đôi Trung Quốc, gấp 3 Mỹ.
Đơn vị: gói mì/năm
Còn nếu tính về tỉ lệ tăng trưởng, thì trong năm 2020 người Việt Nam đứng đầu thế giới về tỷ lệ người dân tăng ăn mì, mức tăng trưởng gần 30% trong khi Philippines tăng 16%, Brazil tăng 11%, Trung Quốc tăng 11,8% còn các nước khác chỉ tăng trưởng 1 con số.
Đơn vị: Triệu gói
Thực tế thì thị trường mì gói ở Việt Nam hiện nay cực kì phong phú về chủng loại và giá cả. Giá một gói mì dao động từ 4.000 đồng/gói lên đến 30.000 đồng/gói.
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, cứ 2 ngày lại có một sản phẩm mì ăn liền ra đời tại Việt Nam. Hiện tại, có hơn 50 nhà sản xuất mì ăn liền tại Việt Nam, với 70% thị phần thuộc về Acecook Việt Nam, Masan và Asia Food. Ngành hàng mì ăn liền bao gồm mì ly và mì gói, đạt doanh thu 28 nghìn tỷ đồng trong năm 2020, với 85% từ mì gói và phần còn lại từ mì ly, các giải pháp bữa ăn hoàn chỉnh, v.v. Mặc dù toàn bộ ngành hàng này tăng trưởng trung bình 2-3% mỗi năm, các phân khúc mới như mì ly/các giải pháp cho bữa ăn đầy đủ có tốc độ tăng nhanh hơn nhiều ở mức 8% toàn thị trường.
Bộ ba doanh nghiệp dẫn đầu có tổng doanh thu gần 26.000 tỷ đồng
Tiêu thụ mì gói và các dòng sản phẩm ăn liền ở Việt Nam tăng mạnh trong bối cảnh dịch bệnh khi người tiêu dùng tích trữ thực phẩm và chuyển sang thói quen ăn ở nhà.
Masan với lợi thế "sân nhà" Vinmart đã tăng hiện diện đáng kể các sản phẩm mì Omachi trên kệ siêu thị của Vinmart. Masan đã đưa ra nhiều sản phẩm mới bao gồm một loạt các giải pháp bữa ăn hoàn chỉnh nhằm nắm bắt xu hướng ăn uống tại nhà ngày càng tăng trong năm 2020, nhờ đó tiếp tục mở rộng thị phần trong ngành hàng và trở thành công ty số 1 về phân khúc cao cấp. Trong vòng 3 năm qua, Masan đã tập trung vào chiến lược cao cấp hóa ngành hàng qua các dòng sản phẩm ăn liền của thương hiệu Omachi.
Các gói mì Omachi dao động từ 5.900 đồng – 8.000 đồng/gói. Với chiến lược phủ khắp đối tượng khách hàng, Masan có những sản phẩm mì hộp cao cấp lên tới gần 15.000 - 20.000 đồng/gói, các sản phẩm gói bữa sáng tiện lợi gồm các sản phẩm như bún miến phở, cháo ăn liền lên tới 29.000 đồng/hộp.
Masan tự nhận Masan Consumer là nhà sản xuất mì ăn liền số một trong phân khúc cao cấp, phân khúc chiếm phần lớn lợi nhuận của ngành hàng mì ăn liền.
Vì Vinmart là sân nhà của Masan nên kệ sảnh chính toàn sản phẩm của Omachi
Masan có thể mạnh về phân khúc cao cấp, nhưng ông lớn tiêu thụ mì nhiều nhất tại Viêt Nam là Acecook với sản phẩm mì Hảo Hảo. Hiện nay Acecook bắt đầu có những cải tiến mới để tiếp cận nhóm khách hàng cao cấp hơn. Trong năm 2020, doanh thu của Acecook lên tới hơn 11.500 tỷ, gấp rưỡi doanh thu nhóm ngành thực phẩm tiện lợi của Masan.
Ngoài các công ty sản xuất mì ăn liền trong nước, thị trường còn có nhiều sản phẩm mì nhập khẩu của Hàn Quốc như mì tương đen, hay các sản phẩm mì Udon...
Chỉ cần thả thêm vài viên thịt, ở nhà ăn mì cũng vui mà!