Anh Thanh, ngụ huyện Bình Chánh - TP HCM, chuyên kinh doanh các mặt hàng công nghệ đã qua sử dụng. Anh thường xuyên tìm kiếm sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử , không phải để mua mà để nắm thông tin thị trường và biết chiêu trò của các shop/gian hàng bán hàng lừa đảo .
Theo anh Thanh cho biết hàng dỏm, hàng giả trên thương mại điện tử thường tập trung ở nhóm hàng công nghệ bởi giá trị lớn, hình thức của hàng chính hãng và hàng lừa đảo giống nhau, chỉ khác nhau ở cấu hình bên trong. "Người mua không am hiểu về sản phẩm, không có cơ sở kiểm chứng và ham giá rẻ rất dễ rơi vào bẫy lừa đảo " – anh Thanh nói.
Anh dẫn chứng laptop Dell 9310 2in1 xoay gập 360 độ, SSD 512 GB, giá chính hãng hàng chục triệu đồng nhưng sàn thương mại điện tử giá chỉ 3 triệu đồng, giảm còn chưa tới 2,1 triệu đồng. Điện thoại iPhone 14 Pro chính hãng giá khoảng 25 triệu đồng nhưng trên shop online chỉ khoảng 8-9 triệu đồng. Đến 99,9% đây đều là hàng "fake" vì hàng thật không thể có giá rẻ như vậy.
"Cuối năm 2023, cơ quan quản lý thị trường TP Hà Nội bắt 1 kho hàng giả thương hiệu Marshall (Anh) cực lớn, trị giá hơn 4,4 tỉ đồng. Đến nay, các loại loa bluetooth thương hiệu nổi tiếng này vẫn bán tràn lan trên thương mại điện tử , giá chỉ vài trăm ngàn đồng/món" – anh Thanh nêu thêm ví dụ.
Anh Thành Vinh, ngụ quận 3, TP HCM thì phát hiện hàng loạt đánh giá giống nhau của cùng một tài khoản hoặc na ná nhau dưới các sản phẩm máy ảnh, điện thoại... trên các gian hàng trên sàn Shopee. Nghi ngờ, anh Thành Vinh tìm qua một số người chơi máy ảnh, thì được cảnh báo nguy cơ lừa đảo .
Giám đốc kinh doanh một sàn thương mại điện tử tại TP HCM cho biết thủ đoạn lừa đảo phổ biến hiện nay là đăng bán các sản phẩm có giá trị cao như đồ điện tử, điện thoại… với giá bán rất rẻ so với giá chính hãng, kèm theo đó là những dòng mô tả như "giảm giá sốc", "thanh lý xả kho"… Cũng có trường hợp, đối tượng lừa đảo rao bán sản phẩm "siêu khuyến mãi" với giá rẻ hơn 3-4 lần so với giá niêm yết và giao hàng không có giá trị.
Vậy, làm sao để nhận biết shop lừa đảo ? Theo vị giám đốc này, dấu hiệu đầu tiên là shop bán những sản phẩm có giá trị cao trên thị trường với giá rẻ chỉ bằng ½, 1/3, thậm chí 1/10 giá chính hãng.
Thứ 2, sản phẩm trên shop có tổng lượt bán nhiều nhưng ít hoặc không có đánh giá phản hồi, cho thấy khả năng shop đã thuê bên thứ 3 vào mua đơn ảo để tạo lượt bán ảo cho sản phẩm.
Một dấu hiệu nhận biết nữa là ở phần đánh giá sản phẩm, nếu shop thuê dịch vụ tăng lượt mua và đánh giá phản hồi thì các đánh giá đều khen hết nấc và gần giống nhau.
Đại diện sàn thương mại điện tử Shopee cho biết để bảo vệ tối đa quyền lợi của người tiêu dùng, sàn đang áp dụng chính sách Shopee đảm bảo (các đơn hàng chỉ được thanh toán cho người bán sau khi người mua xác nhận đơn hàng đã được giao đúng theo đơn đặt hàng của người mua và trong tình trạng tốt).
Trong trường hợp nhận được sản phẩm không đạt yêu cầu, người mua có thể gửi yêu cầu trả hàng hoàn tiền đến Shopee theo quy định.
Đối với đơn hàng được đồng kiểm, ngay tại thời điểm nhận hàng từ đơn vị vận chuyển, người mua có thể tiến hành kiểm tra gói hàng, và yêu cầu được trả hàng mà không cần thanh toán thêm chi phí nào khác.
Ngoài ra, nền tảng của Shopee được trang bị các tính năng và công cụ cho phép người dùng xác định và báo cáo các sản phẩm/ người bán có dấu hiệu vi phạm chính sách đăng bán của Shopee.
"Chúng tôi luôn nghiêm túc quản lý các loại hàng hóa lưu thông trên sàn, và nghiêm cấm các hành vi vi phạm pháp luật, cũng như chính sách đăng bán của sàn. Khi đăng bán sản phẩm, người bán có trách nhiệm bảo đảm hàng hóa của mình tuân thủ quy định pháp luật hiện hành và các chính sách của Shopee" – đại diện Shopee thông tin.