Số liệu từ Tổng cục Thuế cho thấy, tính riêng năm 2021, trong quá trình tiếp nhận và giải quyết hoàn thuế, cơ quan thuế các cấp đã thông báo từ chối không hoàn 18.673 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,8% số tiền đề nghị hoàn. Đối với thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế, 63 cục thuế đã thực hiện được 5.240 cuộc thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế, tương ứng với tổng số tiền hoàn 43.712 tỷ đồng. Tổng số thuế truy hoàn và phạt là 811 tỷ đồng, từ đó đã nộp ngân sách nhà nước 311 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi và liên quan đến nhiều địa bàn. Một số cá nhân đã thành lập doanh nghiệp hoặc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp không vì mục đích kinh doanh mà với mục đích sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, mua bán hóa đơn để trốn thuế, hoàn thuế, kiếm lời bất chính. Thủ đoạn khác là doanh nghiệp mua hóa đơn hoặc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để làm chứng từ “hợp pháp hóa” đầu vào, kê khai khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng; câu kết với các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp nước ngoài để kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng, hạch toán chi phí…
Trước những hành vi gian lận ngày càng phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, các cơ quan quản lý vẫn chưa thể giải quyết triệt để dù đã đưa ra nhiều giải pháp. Song, bất kể là hành vi được thực hiện dưới hình thức nào, nó đều gây ra những tổn hại nhất định tới ngân sách nhà nước, tạo áp lực lớn cho các cơ quan quản lý, khiến môi trường doanh nghiệp cạnh tranh trở nên không lành mạnh, gián tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh vấn đề này, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN cho biết, các hành vi gian lận thuế GTGT rất đa dạng, được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, có 3 hành vi gian lận diễn ra phổ biến.
Thứ nhất, doanh nghiệp thực hiện giảm thuế GTGT đầu ra phải nộp, tăng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ. Vượt qua sự kiểm soát của các cơ quan thuế, các doanh nghiệp thường lợi dụng kẽ hở trong các quy định để gian lận trong hoàn thuế GTGT.
Luật sư Hiệp cho rằng, vốn dĩ ban đầu, các hành vi không mấy phức tạp. Để được hoàn lại thuế về mức 0% hay giảm thuế, các doanh nghiệp đã tìm cách lập hồ sơ hàng bán ra là hàng xuất khẩu. Bởi dựa trên quy định của Nhà nước, suất thuế GTGT của các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa là 0%.
Tuy nhiên, các hành vi ngày càng trở nên phức tạp hơn. Đặc biệt, trường hợp doanh nghiệp được thành lập và đăng ký kinh doanh nhiều sản phẩm, hoạt động trong nhiều ngành nghề, nhưng lại không có kho hàng hay trụ sở. Mục đích mà các doanh nghiệp này được lập ra là để bán hóa đơn GTGT cho các doanh nghiệp khác - các doanh nghiệp đang tìm cách hợp thức hóa bán hàng buôn lậu trốn thuế và ăn chặn tiền hoàn thuế.
Đối với trường hợp gian lận nhờ tăng thuế GTGT đầu vào, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ quy định doanh nghiệp có thể tự in ấn và sử dụng hóa đơn thuế GTGT mua bán nội địa trong chính sách quản lý thuế. Lợi dụng kẽ hở này, một số doanh nghiệp tương tự in ấn và phát hành hóa đơn. Họ tạo ra một lượng lớn hóa đơn và tự hợp thức hóa cho nguồn gốc của các lô hàng xuất khẩu đi nước ngoài.
“Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng việc làm hóa đơn bất hợp pháp, bao gồm hóa đơn chưa hết giá trị sử dụng hoặc chưa có giá trị sử dụng, hóa đơn giả hay hóa đơn của các đơn vị đã bị hủy bỏ địa chỉ kinh doanh để hợp thức hóa việc khấu trừ thuế GTGT”, luật sư Hiệp phân tích.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kê khai khấu trừ các hóa đơn nhưng không mang theo tên hay mã số thuế của đơn vị mà dùng với mục đích cá nhân. Hoặc, khấu trừ thuế GTGT của hàng hóa dịch vụ nhưng không phải là phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, sản xuất - kinh doanh.
Đơn vị doanh nghiệp kê khai thuế được khấu trừ không trùng khớp với ngày chứng từ nộp thuế ở giai đoạn nhập khẩu. Hoặc phân bổ sai hoặc không phân bổ thuế đầu vào cho mặt hàng không chịu thuế và chịu thuế.
Cán bộ công chức thuế Cục Thuế Thái Nguyên kiểm tra hồ sơ khai thuế của người nộp thuế. Ảnh: T.H
Đối với trường hợp các doanh nghiệp thực hiện để gian lận thuế GTGT là giảm thuế đầu ra. Luật sư Hiệp cho rằng, việc khai thiếu thuế đầu ra là một trong những hành vi sai phạm phổ biến. Để thực hiện điều này các doanh nghiệp sẽ bán hàng nhưng không xuất hóa đơn, mục đích là giấu doanh thu đầu ra để tránh nộp thuế, thậm chí là chiếm đoạt thuế.
Với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng hay kinh doanh bất động sản, hoặc thực hiện hành vi gian lận bằng cách xuất hóa đơn sớm, hoặc chưa thu tiền của khách hàng ngay cả khi dự án, dịch vụ đã được thực hiện. Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong hàng hóa tiêu dùng nội bộ, họ cố tình khai thiếu hoặc không khai thuế GTGT đầu ra, bởi họ cho rằng cơ quan thuế sẽ không đả động đến.
Thứ hai, gian lận bằng cách điều chỉnh thuế GTGT đầu vào và ra không dựa theo quy định. Thực tế cho thấy, một số cán bộ thanh tra thường không để ý tới các thông tin quản lý điều chỉnh tăng và giảm thuế GTGT ở kỳ trước, mà chỉ tập trung vào việc chấm hóa đơn.
Theo luật sư Hiệp, đây là lỗi sai đến từ người đi đầu, song các doanh nghiệp lại tận dụng lỗi sai này để điều chỉnh giảm doanh thu cũng như thuế đầu ra và tăng thuế đầu vào của kỳ trước. Sự điều chỉnh này diễn ra mà không có hóa đơn, cũng không được chứng minh. Mục đích chính là để giảm thuế đầu ra của kỳ này, hoặc tăng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ sang kỳ nộp tiếp theo.
Thứ ba, doanh nghiệp cố tình xác định sai thuế suất đối với dịch vụ, hàng hóa. “Nhập nhèm” thuế suất là một trong những chiêu trò cũng khá phổ biến của các doanh nghiệp trốn thuế. Hành vi này bộc phát từ kẽ hở trong chính sách kích cầu để giảm khó khăn cho các doanh nghiệp của Chính phủ.
“Nhiều doanh nghiệp cố tình kê sai thuế suất thuế đầu ra GTGT của các mặt hàng chịu 10% thành mặt hàng chịu dưới 5%. Có khi các mặt hàng chịu thuế lại được liệt kê vào mục mặt không chịu thuế. Một số doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa được ưu đãi thuế suất còn cố tình khai man để được hoàn thuế hoặc tăng khấu trừ” – Giám đốc Công ty Luật HPVN nói.
Còn nữa…