Niên vụ 2018 – 2019 là năm thứ 3 liên tiếp ngành mía đường gặp khó. Cả nước hiện còn tồn kho khoảng 650.000 tấn đường, là mức kỷ lục từ trước đến nay. Đường Việt Nam tồn kho, không bán được cũng có một phần nguyên nhân bởi gian lận thương mại khi đường nhập lậu từ Thái Lan tràn qua, với giá rẻ, gây tổn thất lớn.
Hơn hai năm vừa qua, việc gian lận thương mại, buôn lậu quy mô lớn đã khiến cho 1/3 các nhà máy đường Việt Nam đóng cửa, nhiều cánh đồng mía bỏ hoang vì thua lỗ. Năm 2018, con số thiệt hại mà VSSA ước tính đã lên tới 2.000 tỷ đồng. Hiện tổng diện tích trồng mía nguyên liệu cũng đã giảm từ 30 – 60%.
Việc nhập lậu đường và gian lận thương mại đường nhập lậu là tác nhân chính đã xóa bỏ mọi nỗ lực chuẩn bị hội nhập của các doanh nghiệp đường và nông dân trồng mía.
Chính vì đường lậu, gian lận thương mại trong tạm nhập tái xuất và nhập đường thô sản xuất xuất khẩu đã đẩy các nhà máy đường Việt Nam lúc nào cũng trong nguy cơ thua lỗ, chỉ phấn đấu tồn tại hoặc lợi nhuận thấp. Từ đó kiềm chế, xoá bỏ cơ hội tích luỹ vốn cho các nhà máy đường, cơ hội tích tụ đất cho người nông dân, triệt để phá vỡ cơ hội trưởng thành và phát triển của ngành mía đường Việt Nam hơn một thập kỷ qua.
Câu hỏi được nhiều doanh nghiệp đặt ra là ai người bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích của doanh nghiệp, người dân trồng mía và của ngành mía đường trước điều kiện cạnh tranh không lành mạnh?
Đặc biệt, Việt Nam đang đứng trước lộ trình cam kết của Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) từ ngày 1/1/2020. Theo đó, mặt hàng đường từ các nước trong khối Asean vào Việt Nam sẽ được xoá bỏ hạn ngạch nhập khẩu, với thuế suất chỉ 5%, kéo theo đường Thái Lan, vốn được bảo hộ, trợ giá rất nhiều từ Chính phủ nước này, tràn ngập thị trường nội địa.
Nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân cho biết họ chấp nhận bị đào thải theo cơ chế thị trường, tuy nhiên, họ cũng mong tiến trình hội nhập cần đảm bảo thực hiện có hiệu quả và giữ được môi trường hoạt động kinh doanh công bằng, minh bạch, để họ có được một cuộc chơi công bằng trên chính sân nhà.
Việc hội nhập, theo phía hiệp hội và doanh nghiệp là không thể thực hiện một cách đơn giản, thiếu đi quá trình đánh giá đầy đủ và chuẩn bị kỹ lưỡng như các quốc gia khác đã thực hiện.
Theo đó, doanh nghiệp mong mỏi các cơ quan nhà nước cần tìm hiểu thông tin về một ngành mang tính "bảo hộ thương mại" hoặc "gian lận thương mại" cao như ngành đường để tránh thiệt hại cho đất nước khi đàm phán các thỏa thuận quốc tế nhằm đảm bảo cạnh tranh bình đẳng và có lợi cho nước nhà. Từ đó đánh giá, vận dụng và đưa ra thời điểm, lộ trình và mức thuế quan phù hợp.