Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) Nguyễn Phú Cường vừa có báo cáo kết quả thực hiện các nội dung chỉ đạo của Chính phủ trong quý I/2018 về 4 dự án thuộc Vinachem.
Thiếu vốn lưu động
Nhìn chung, các dự án đều có sự tăng trưởng về giá trị sản xuất công nghiệp, doanh thu và đặc biệt giảm lỗ đáng kể so với cùng kỳ. Tuy nhiên, những bề nổi này chưa thể hiện đúng thực trạng của các dự án.
Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình (Đạm Ninh Bình) đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn vốn lưu động. Phó Tổng Giám đốc Bùi Văn Thắng cho biết do tình hình tài chính mất cân đối nghiêm trọng, công ty đã được các tổ chức tín dụng cơ cấu, tái cơ cấu nợ, cho vay thu hồi nợ nên việc phê duyệt khoản tín dụng mới là hết sức khó khăn. Trước đó, Đạm Ninh Bình cũng đã từng đề nghị giãn nợ với Ngân hàng (NH) Phát triển Việt Nam (VDB), trả lãi suất 3%/năm cho 5 năm đầu từ 2018-2022, từ năm 2022-2028 trả lãi suất 8,55%/năm hoặc khoanh nợ 5 năm từ 2018 đến hết năm 2022 nhằm giảm khó khăn về dòng tiền và để công ty có thể tiếp tục ổn định.
Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình đã lỗ liên tục trong nhiều năm
Khó khăn của Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc) là các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các khoản vay phục vụ dự án cải tạo và mở rộng nhà máy đối với các NH vẫn chưa được thực hiện. Mặt khác, nếu phương án cơ cấu trả lãi đối với các NH được chấp thuận, công ty sẽ phải chuyển nợ xuống nhóm 4 (nhóm nợ xấu), thử thách trong vòng 3 tháng, vì vậy việc vay vốn lưu động tại các NH thương mại sẽ gặp khó khăn.
Tổng Giám đốc Công ty CP DAP số 2 - Vinachem (DAP 2) Phùng Ngọc Bộ cũng cho rằng để giúp công ty từng bước thoát khỏi khó khăn hiện nay, cần nhiều giải pháp hỗ trợ như điều chỉnh giảm lãi suất từ 9,6% xuống mức ưu đãi nhất; giãn thời gian trả nợ từ 10 năm lên 20 năm; khoanh nợ gốc và tiền lãi được trả dần từ năm 2019…
Đại diện Bộ Công Thương nhìn nhận trong các dự án có vay vốn của VDB, Đạm Hà Bắc và DAP 2 bị xếp vào nhóm 5, tức là nợ xấu có khả năng mất vốn. Tuy không trong vòng nguy hiểm bằng 2 dự án trên nhưng Công ty CP DAP - Vinachem (DAP 1) cũng nằm trong nhóm nợ cần chú ý.
Đối mặt cơ quan điều tra
Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương gửi đến đại biểu Quốc hội khóa XIV về thực hiện nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn đã đề cập kết quả thanh tra, kiểm toán, điều tra và xử lý các sai phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan tại 12 dự án thua lỗ của ngành công thương.
Trong đó, đáng lưu ý là bộ này đã tổ chức đoàn thanh tra toàn diện đối với DAP 2 và đang tổng hợp kết quả thanh tra. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đang thanh tra đối với dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 và dự kiến sẽ hoàn thành báo cáo kết quả thanh tra trong tháng 5-2018.
Về phía Kiểm toán Nhà nước, cơ quan này cũng đã hoàn thành và chuyển hồ sơ kiểm toán sang Bộ Công an để tiếp tục xử lý các bước tiếp theo đối với dự án DAP 2 - Lào Cai. Còn với Đạm Ninh Bình và DAP 1, Kiểm toán Nhà nước đã triển khai kiểm toán và có báo cáo tài chính kết hợp đánh giá hiệu quả hoạt động.
Số phận của Đạm Ninh Bình cũng được "soi" kỹ khi Thanh tra Chính phủ vừa có văn bản gửi Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về xử lý, khắc phục những tồn tại, hạn chế và vi phạm tại dự án này. Đặc biệt, trong văn bản gửi Phó Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công Thương kiểm điểm, xác định trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân liên quan và đưa ra các biện pháp khắc phục tồn tại, sai phạm của dự án Đạm Ninh Bình. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ giao Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán toàn diện dự án và giao Bộ Công an điều tra, xử lý các sai phạm theo quy định pháp luật.
Văn phòng Chính phủ cũng đã có thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng ý với nội dung văn bản của Thanh tra Chính phủ, đồng thời giao Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý đối với tổ chức, cá nhân có khuyết điểm, sai phạm qua thanh tra.
Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng - Bộ Công an cũng đang xác minh, thu thập tài liệu liên quan dự án này.
Trước đó, kết luận thanh tra của Bộ Công Thương đã chỉ ra nhiều sai phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng và hoạt động của Đạm Ninh Bình. Cụ thể, Vinachem và Ban Quản lý dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình chưa kịp thời xử lý những thay đổi phát sinh, còn thiếu sót trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện dự án. Kết quả sản xuất - kinh doanh của công ty liên tục lỗ từ năm 2012 đến 2015. Theo báo cáo nghiên cứu khả thi lỗ kế hoạch được đặt ra trong 3 năm đầu là 47,9 triệu USD, tương đương 1.025 tỉ đồng nhưng thực tế, tổng lỗ lũy kế từ khi nhà máy đi vào sản xuất từ năm 2012-2014 theo báo cáo tài chính ghi nhận là 1.719 tỉ đồng, vượt so với số lỗ kế hoạch là 694 tỉ đồng.