Dừng kinh doanh, giãn thuế không tạo ra dòng tiền
Khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, khoảng 20% các DN gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra tiếp cận được gói hỗ trợ của Chính phủ. Còn theo khảo sát của Hiệp hội DN TP.HCM, có đến 61% DN gặp khó khăn khi tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và TP, trong đó 28% DN cho rằng quy trình, thủ tục phức tạp, 14% DN đánh giá cơ quan hướng dẫn chưa nhiệt tình.
Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh, sản xuất chịu nhiều tác động do dịch Covid-19, Chính phủ đã có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, hiệu quả chưa như mong đợi.
Chẳng hạn, với gói tín dụng ưu đãi 285.000 tỷ đồng, các DN cho biết rất khó vay được vốn. Ngành ngân hàng đã vào cuộc, thực hiện giãn nợ, cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất khoản vay cũ và mới. Tuy nhiên, đa số các DN cho biết không dễ tiếp cận vốn ngân hàng.
Giám đốc một DN nhỏ kinh doanh thời trang tại Hà Nội chia sẻ, do phải đi thuê mặt bằng nên không có tài sản đảm bảo, cửa hàng đóng nên không có nguồn thu. Do đó, rất khó chứng minh được nguồn tiền trả nợ nên không thể vay vốn từ ngân hàng. Gói hỗ trợ được ngân hàng đưa ra với nhiều ưu đãi, nhưng bao nhiêu DN khó khăn có thể tiếp cận được, vị giám đốc băn khoăn.
Rào cản lớn trong việc tiếp cận gói tín dụng ưu đãi là phải chứng minh thiệt hại do Covid-19 gây ra (ảnh minh họa) |
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng tín dụng của toàn ngành tính đến đầu tháng 5/2020 mới đạt 1,2%, nhưng với khu vực DN nhỏ và vừa lại giảm 0,8%. Như vậy, cũng có nghĩa là khả năng tiếp cận tín dụng của các DN nói chung đang gặp khó khăn.
Hiện quy trình chuẩn đối với việc thẩm định, đánh giá thiệt hại, ban hành danh mục ngành nghề, lĩnh vực được xác định là đối tượng DN chịu thiệt hại trực tiếp do Covid-19 vẫn chưa được công khai, minh bạch. Mỗi ngân hàng lại có quy định khác nhau, vì vậy mà tiến độ giải cứu diễn ra rất chậm.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Vietravel, cho hay gần 100% DN lữ hành phải tạm ngừng hoạt động, đến nay tình hình kinh doanh vẫn còn vô vàn khó khăn. Các DN du lịch mong mỏi các gói hỗ trợ nhanh chóng triển khai vào thực tế.
Một báo cáo của Bộ Công Thương chỉ ra rằng, các DN du lịch rất khó tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng. Đó là bởi Ngân hàng Nhà nước dành nhiều quyền tự quyết cho các ngân hàng thương mại, trong khi bản thân các nhà băng cũng hoạt động theo cơ chế của DN, phải chịu sức ép về chỉ tiêu lợi nhuận với cổ đông.
Theo VCCI, rào cản lớn trong việc tiếp cận gói tín dụng ưu đãi là phải chứng minh thiệt hại do Covid-19, rồi phải có tài sản đảm bảo, kế hoạch kinh doanh tốt, dòng tiền đảm bảo... Ngay cả khi đáp ứng được các điều kiện trên, số vốn giải ngân cũng không đáp ứng được nhu cầu tái đầu tư sản xuất của DN.
Chính phủ đã ban hành Nghi định 41/2020/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất 5 tháng của kỳ tính thuế tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6 năm 2020, giúp DN có thêm dòng tiền để phục vụ các mục đích sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, với nhiều DN, điều này chưa hỗ trợ được nhiều. Chẳng hạn, với các DN ngành du lịch, 4 tháng đầu năm nay gần như không có doanh thu, vì vậy giãn thuế cũng không tạo ra được dòng tiền. Nhiều DN thuộc các ngành nghề khác doanh thu cũng giảm mạnh chỉ còn 20-50% so với trước, thua lỗ nên việc giãn thuế không đem lại nhiều hiệu quả. Còn gia hạn tiền thuê đất, chỉ những DN thuê của Nhà nước mới được hưởng.
Cần kéo dài thời gian giãn nộp thuế hơn nữa để hỗ trợ về dòng tiền cho các DN. |
“Bơm” tiền thật
Báo cáo của trường Đại học Kinh tế - Luật và Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, các gói kích thích, hỗ trợ hiện có tác động giới hạn đối với DN đang lâm vào tình trạng kiệt quệ tài chính. Nó chỉ giúp làm giảm hoặc ngăn dòng tiền ra của DN, chứ chưa có chính sách hỗ trợ làm tăng dòng tiền vào cho DN.
Theo các chuyên gia kinh tế, Chính phủ cần có những giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ và sâu hơn. Sẽ có những DN phải ngưng hoạt động và giải thể, phá sản trước khi cải thiện được dòng tiền. Vì vậy, chính sách tạo dòng tiền vào cho DN lúc này rất quan trọng và cần hiệu quả hơn. Thậm chí, phải “bơm” tiền thật để DN tái khởi động “cỗ máy” kinh doanh. Việc này có thể thực hiện thông qua các định chế tài chính thuộc sở hữu Nhà nước, hoặc mở rộng các chương trình bảo lãnh tín dụng của Nhà nước sang các ngân hàng tư nhân.
Để giải quyết vấn đề khó tiếp cận vốn cho DN, có thể chuyển dịch rủi ro của chủ nợ về phía Chính phủ. Về trung hạn, có thể tính đến việc cho phép DN chuyển lỗ về năm trước và bố trí một khoản mục chi tái thiết kinh tế, trong dự toán ngân sách thời kỳ 2021-2026 dưới hình thức "Chi đầu tư phát triển"... TS. Trần Hùng Sơn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng, Đại học Quốc gia TP.HCM nêu ý kiến.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim, cần kéo dài thời gian giãn nộp thuế hơn nữa để hỗ trợ về dòng tiền cho các DN. Giãn, hoãn thuế giúp tạo điều kiện cho các DN có thanh khoản, coi như ngân sách cho DN vay với lãi suất 0%. Đối với ngân sách Nhà nước, vì không thu được thuế nhưng vẫn phải chi nên sẽ phải đi vay sớm hơn, như vậy cũng sẽ phát sinh chi phí. Nhưng kéo dài thêm thời gian, sẽ hỗ trợ DN tốt hơn để vượt qua khó khăn.
Ông Phạm Nam Kim cho rằng, Chính phủ có thể cân nhắc kéo dài thời gian gia hạn nộp thuế lên 1 năm để phù hợp hơn với tình hình. Một số quốc gia trong khu vực cũng đã áp dụng như vậy.
Ngoài ra, cần xem xét miễn, giảm thuế thu nhập DN, tiêu thụ đặc biệt, tiền thuê đất và thậm chí tiếp tục gia hạn nộp thuế, đối với các nhóm DN chịu thiệt hại nặng nề và bổ sung nguồn lực tài chính, để phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh, ông Kim đề xuất.
Trần Thủy