Theo ông, nhân tố nào giúp cho việc thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 năm nay lại nhanh như vậy đặc biệt tại TP.HCM? Có phải do cách thiết kế chính sách khác hay có nguyên do nào khác?
Theo tôi nhân tố chính là giảm tính khắt khe trong xét duyệt, tức điều kiện dễ hơn. Khi đưa ra chính sách, để tránh thất thoát, sai đối tượng, chúng ta đưa ra những điều kiện rất khắt khe. Như gói 62.000 tỷ năm ngoái, người lao động, doanh nghiệp, phải kê khai, chứng minh rất nhiều và rất vất vả. Người xét duyệt thì cố làm cho đúng không bị sai quy định, chứ chưa hẳn là cố để tiền hỗ trợ đến được tay người cần.
Lần này, điều kiện đã dễ dàng hơn, với đặc thù là TP.HCM đang ở trong thời điểm cấp bách hơn. Nếu so sánh với các địa phương khác, khi chúng tôi đi khảo sát, thì thấy một bộ phận người lao động yếu thế tại TP.HCM vẫn còn sống trong hoàn cảnh như những năm 80-90 của thế kỷ trước, tức là ăn theo ngày, làm ngày nào ăn thu nhập ngày đó. Nhiều tiền thì ăn hàng, ít tiền tự nấu còn không có thì phải đi vay tín dụng đen.
Những người thực thi chính sách từ đó cũng cảm nhận được tính cấp bách và sức nóng của việc tiền phải đến được tay người cần. Điều này tạo ra ý nghĩa chính sách rất lớn. Tôi vẫn muốn nói đi nói lại rằng: thời điểm này, đừng lo đồng tiền hỗ trợ có thể chi ra sai địa chỉ, người này không được, người kia không đáng. Cái quan trọng là tiền đến tay được dân, doanh nghiệp.
5K+ vaccine là chiến lược chống Covid-19 mới đang được thực hiện. Nhưng với diễn biến dịch mới là 19 tỉnh phía Nam phải áp dụng Chỉ thị 16, Hà Nội cũng đã phải giãn cách, thì nhiều người đang có cái nhìn kém lạc quan hơn. Theo ông, điều gì sẽ giúp cho Việt Nam vượt qua được đợt dịch thứ 4 này?
Cho dù là ở quy mô quốc gia hay doanh nghiệp, thì thành công hay thất bại cũng phụ thuộc vào khả năng thích ứng. Có thể sai lầm hôm nay, nhưng điều chỉnh được thì ngày mai sẽ thành công. Say sưa với thành công hôm nay cũng có thể sai lầm ngày mai.
Chúng ta không nên cứng nhắc trong tất cả các chiến lược mà chúng ta đã và đang triển khai.
Mới đây, HCDC vừa có dự báo, TP.HCM vẫn chưa đến đỉnh dịch. Như vậy, tình hình có thể tồi tệ hơn về số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 trong thời gian tới. Có thể tình hình sẽ khó khăn hơn, giãn cách xã hội sẽ lâu hơn, các cơ sở sản xuất công nghiệp chỉ cần một ca F0 cũng sẽ bị phong tỏa. Do đó, về mặt tinh thần, cần xác định phải sống chung với Covid-19, để kể cả khi tình hình diễn biến xấu hơn, chúng ta vẫn có thể tồn tại.
Về vai trò của Nhà nước hiện nay, bài toán rất khó là tạo được cân đối, vừa giữ sức cho hệ thống y tế để kiểm soát dịch, vừa duy trì được hoạt động kinh tế. Chúng ta cần đảm bảo được tính kháng chịu về mặt nguồn lực. Quan trọng nhất ở thời điểm này là đảm bảo nguồn lực tài chính.
Chúng ta đã có con người Việt Nam kiên trì, thì nguồn lực tài chính cũng phải luôn sẵn sàng. Không thể thiếu nguồn lực tài chính cho các lực lượng tiền tuyến chống dịch. Những nơi sản xuất hàng hóa dịch vụ thiết yếu, hay sản xuất công nghiệp phục vụ xuất khẩu chính là cỗ máy thúc đẩy tăng trưởng hiện nay. Nhà nước cần có nguồn lực tài chính để hỗ trợ họ.
Vì hình dung đơn giản, một doanh nghiệp trong bối cảnh này nếu không được hỗ trợ tài chính, thì chỉ có thể hoặc ngưng sản xuất, hoặc tiếp tục sản xuất mà lách các quy định phòng chống địch. Điều đó gây ra rất nhiều rủi ro tiềm ẩn.
Theo đánh giá của tôi, quy mô gói hỗ trợ hiện nay là chưa đủ. Kết quả thu ngân sách của Việt Nam vẫn tăng, không chỉ tăng so với năm ngoái và còn vượt dự toán. 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách đã đạt trên 58% cả năm, tăng 14% so với năm ngoái. Với ngân sách như vậy có thể tính tới tăng hỗ trợ cho doanh nghiệp, không chỉ hoãn nộp thuế mà có thể giảm. Về chi, cũng nên tăng các gói chi nhiều hơn.
Quốc hội đang họp, Chính phủ nên chủ động đề xuất ngay những chính sách đó, nếu cần thiết, có thể tung ra ngay gói hỗ trợ cho doanh nghiệp. Nếu thiếu sự chuẩn bị, nguồn lực, để người dân, doanh nghiệp phải tự "bơi" thì tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn.
Nếu nghĩ đến một kịch bản tích cực nhất có thể xảy ra trong 6 tháng cuối năm. Ông nghĩ đến kịch bản nào?
Nếu là kịch bản tích cực nhất, thì Chính phủ đã có được cam kết về vaccine khoảng 150 triệu liều. Nếu khả quan, thì 150 triệu liều cam kết này, đến được Việt Nam, thực có thể sẽ được 120 triệu. Từ nay đến cuối năm sẽ có được 2/3 của con số đó.
Nếu năng lực cả nước tiêm được 500.000-600.000 mũi một ngày, đặc biệt Hà Nội và TP.HCM khoảng 200.000 mũi một ngày, thì chúng ta có thể hoàn thành ưu tiên tiêm cho các khu công nghiệp, trung tâm du lịch như Phú Quốc, Hội An, Quảng Ninh từ nay đến cuối năm. Phần còn lại giữa năm 2022, chúng ta kỳ vọng sẽ đạt 70% dân số được tiêm. Đó là kịch bản lạc quan khả thi.
Đừng kỳ vọng không có vaccine mà chúng ta có thể mở cửa nền kinh tế, hoạt động hoàn toàn bình thường. Chúng ta có thể chấp nhận số ca mới tăng, dù đã tiêm vaccine, nhưng rủi ro đến sức khỏe không lớn thì chúng ta vẫn có thể mở cửa nền kinh tế, kể cả đối với hoạt động du lịch.
Về mặt động lực, kịch bản lạc quan là chúng ta vẫn thực hiện được mục tiêu phòng chống dịch và duy trì hoạt động sản xuất phục vụ cho xuất khẩu. Trong năm nay, tôi cho rằng động lực duy nhất mà chúng ta có được là sản xuất, công nghiệp chế biến chế tạo phục vụ xuất khẩu như linh kiện điện tử, máy móc thiết bị, dệt may da giày, đồ gỗ nội thất, thủy sản… Mặc dù có rủi ro nhưng những lĩnh vực này không bị xáo trộn quá lớn, đa số các doanh nghiệp trong khu công nghiệp vẫn duy trì được hoạt động.
Với đầu tư, chúng ta cũng đã đạt được kỷ lục tăng tốc giải ngân đầu tư công để hỗ trợ cho tăng trưởng. Nửa đầu năm nay, vì tập trung chống dịch, kiện toàn bộ máy nên đầu tư công chậm lại, trong khi đầu tư tư nhân không thể phục hồi. Hiện giờ, sau khi sắp xếp được các vị trí trong bộ máy quản lý Nhà nước, tôi cũng kỳ vọng tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công có thể hỗ trợ cho tăng trưởng. Theo tôi, đó là các kịch bản tốt nhất cả về kinh tế và y tế.
Cảm ơn ông!