GDP quý 3 của Việt Nam đã giảm sâu ở mức chưa từng có kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP. Vậy còn bức tranh kinh tế sẽ ra sao 3 tháng cuối năm? Những kịch bản nào có thể xảy ra với diễn biến dịch bệnh như hiện tại? Trao đổi với Trí thức trẻ, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, thách thức lớn nhất hiện vẫn là thích ứng an toàn để mở cửa lại kinh tế.
GDP quý 3/2021 giảm 6,17%, mức sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP. Ông đánh giá ra sao về con số này?
Con số này thực chất đã phản ánh đúng tác động đợt dịch vừa rồi, khi các chính sách giãn cách xã hội đã được áp dụng ở cấp độ mạnh nhất, đặc biệt là xảy ra đối với trung tâm kinh tế ở Đông Nam Bộ, điển hình như TP.HCM và Bình Dương và Đồng Nai.
Nhìn vào khu vực công nghiệp và dịch vụ, nếu như nửa đầu năm, mặc dù dịch vụ, bán lẻ bị ảnh hưởng mạnh, nhưng ít nhất còn có hoạt động giao dịch trực tuyến, thương mại điện tử bù lại được, đặc biệt là ở TP.HCM. Thế nhưng đến khi buộc phải kiểm soát dịch chặt hơn, lúc ấy giao hàng của shipper liên quận hay trong những quận vùng đỏ không thể thực hiện được, thì doanh số bán lẻ đã thực sự suy sụp.
Mà đặc biệt, trong dịch vụ thì ngành thương mại đóng vai trò lớn nhất, tương đương khoảng 12% GDP. Đến quý 3 thì riêng hoạt động thương mại, bán buôn, bán lẻ giảm đến 19,9% so với cùng kỳ.
Tiếp theo nữa là các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương là trung tâm công nghiệp, chế biến, chế tạo lớn nhất cả nước, tập trung nhiều khu công nghiệp nhất thì lại phải áp dụng "3 tại chỗ", hoặc một "cung đường hai điểm đến" đối với doanh nghiệp muốn sản xuất. Nếu không, họ buộc phải tạm đóng cửa. Như vậy, tác động đến sản xuất, công nghiệp chế biến, chế tạo cũng không hề nhỏ.
Chỉ số sử dụng lao động các doanh nghiệp công nghiệp của TP. HCM giảm đến 63,3%, Bình Dương thì giảm 24,8%. Song, tại một số địa phương kiểm soát được dịch, các doanh nghiệp có thể tổ chức sản xuất như Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Nguyên nên công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ giảm 3,2%.
Một lĩnh vực khác cũng rất quan trọng nhưng giảm mạnh đó là hoạt động xây dựng, giảm 11,4%. Ngành xây dựng giảm mạnh như vậy là 3 nguyên nhân. Nguyên nhân lớn nhất vẫn là chính sách giãn cách xã hội tại các trung tâm kinh tế, khiến một loạt công trình xây dựng phải tạm ngưng.
Thứ hai, thực ra ngay từ đầu năm, dưới tác động của Covid-19, các doanh nghiệp vẫn chưa đủ tự tin để mở rộng đầu tư lại, hay như nhiều dự án bất động sản cũng chưa được phê duyệt triển khai, nên hoạt động xây dựng cũng chững lại.
Yếu tố thứ 3 dẫn đến suy giảm của xây dựng là giải ngân vốn đầu tư công năm nay cũng giảm mạnh so với năm ngoái.
Những ngành dịch vụ buộc phải ngưng vì dịch thì giảm siêu mạnh. Lưu trú và ăn uống giảm 54,8%; vận tải kho bãi, logistics giảm 21,1%.
Tất cả những điều này đã dẫn đến GDP quý 3 giảm sâu ở mức 6,17%.
Một điểm đáng chú ý là nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng 1,04%; trong khi đó nông nghiệp có vẻ là ngành ít chịu tác động nhất của dịch bệnh. Vì sao lại như vậy?
Đúng là nông nghiệp là lĩnh vực ít chịu tác động nhất của Covid-19. Thứ nhất là các hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hộ gia đình thì vẫn có thể làm. Ngoài ra, các tỉnh mà tỷ trọng nông nghiệp lớn thì cũng không bị dịch tác động mạnh như các trung tâm đô thị. Do vậy, nông nghiệp vẫn tăng trưởng 2,8% trong quý 3.
Tuy nhiên, thủy sản lại là ngành bị ảnh hưởng. Cụ thể, thủy sản lại phụ thuộc vào hoạt động chế biến thủy sản phục vụ xuất khẩu. Trong khi đó, nhiều địa phương có nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản cũng phải áp dụng giãn cách xã hội.
Đặc biệt, khác với các doanh nghiệp công nghiệp chế biến khác, thì doanh nghiệp chế biến thủy sản lại khó có thể thực hiện 3 tại chỗ. Lý do là nhà xưởng để chế biến thủy sản không phù hợp để công nhân ở luôn tại chỗ. Nên ngay cả như đồng bằng sông Cửu Long thì rất nhiều doanh nghiệp thủy sản ngưng sản xuất luôn, dẫn đến ngành thủy sản giảm đến 4,9%.
Do vậy, nông, lâm, thủy sản chỉ tăng 1% trong quý 3.
9 tháng năm 2021, hơn 90.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Như vậy trung bình một tháng, có đến 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Con số này nói lên điều gì?
Theo tôi nghĩ, đấy chỉ là con số thống kê chính thức. Thực tế con số này phải lớn hơn rất nhiều. Nhiều doanh nghiệp người ta rút khỏi thị trường, nhưng chưa báo. Bởi vậy con số 10.000 vẫn còn là thấp.
Nếu như theo điều tra doanh nghiệp của Ban IV, bức tranh còn xấu hơn. Theo báo cáo khảo sát 21.517 doanh nghiệp và hộ kinh doanh, thì chỉ có 16% là tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh bình thường. Còn tạm ngừng hoạt động do dịch chiếm đến 69%, giải thể hoạt động và chờ giải thể là 15%.
Điều này là do khi có yêu cầu giãn cách vào năm ngoái, doanh nghiệp vẫn còn nguồn lực, người lao động vẫn còn tiết kiệm, thì họ còn có thể chống chọi được với Covid-19. Nhưng đến năm nay, tiền tiết kiệm người lao động cũng xài hết rồi, doanh nghiệp thì cũng hết nguồn lực, và bối cảnh giãn cách kéo dài như vậy thì đây không còn là tổn thương tạm thời nữa, mà đó là suy sụp hệ thống.
Vậy làm thế nào doanh nghiệp có thể vực dậy 3 tháng cuối năm?
3 tháng cuối, để mà vực dậy nền kinh tế thì chỉ còn cách là mở cửa lại thôi. Nếu như mở cửa lại thì cần có sự đồng thuận cao về thích ứng an toàn, và thích ứng an toàn có nghĩa là không thể an toàn tuyệt đối. Vấn đề ở đây là cần phải quản lý rủi ro.
Nếu như thế thì có thể mở cửa từ bây giờ, thì quý 4 có thể tăng trưởng trở lại ở mức 3,5-4% so với quý 4 năm ngoái, và GDP cả năm có thể tăng trưởng từ 2-2,2%. Đấy là kỳ vọng ngay từ đầu tháng 10 có thể mở cửa lại, và phải tính toán đến việc chính sách sẽ có độ trễ.
Bây giờ nếu công bố mở cửa lại thì phải đến giữa tháng 10 mới có thể gọi là thực sự mở cửa. Mở cửa ở đây nghĩa là doanh nghiệp sản xuất công nghiệp sẽ không phải thực hiện 3 tại chỗ, hoạt động vận tải và thương mại cũng mở cửa. Còn nếu chính sách vẫn chưa rõ ràng thì có thể mất cả tháng 10, và quý 4 chỉ có thể dựa vào tháng 11, tháng 12. Và nếu như vậy cả năm GDP cùng lắm tăng được 1%.
Nếu nhìn vào những con số thống kê vừa rồi, ông thấy những điểm sáng nào cho nền kinh tế Việt Nam?
Điểm sáng lớn nhất là ổn định kinh tế vĩ mô vẫn được duy trì. Điều này khác hẳn với những lần khủng hoảng trong quá khứ của Việt Nam. Cái này rất quan trọng, bởi có phục hồi hay không, có tiếp tục kiểm soát, chống dịch được nữa hay không phụ thuộc vào có ổn định vĩ mô được không.
Nhìn tổng thể vào cả giỏ hàng hóa tiêu dùng của người dân, thì chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng đầu năm tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù năm nay, đặc biệt các tháng vừa rồi, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu có chậm lại, nhưng cán cân thanh toán tổng thể thì vẫn thặng dư. Dòng tiền nước ngoài vẫn chảy vào Việt Nam, nên VND thực ra lên giá so với đồng USD. 6 tháng đầu năm, thặng dư cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam là 4,9 tỷ USD; mức thặng dư cả năm có thể 8 tỷ USD.
Bên cạnh đó, về mặt ngân sách, mức thâm hụt ngân sách cũng không quá lớn so với dự toán. Việt Nam cũng chưa phải dùng đến dự trữ ngoại tệ, mức dự trữ hiện nay vẫn đang trên 100 tỷ USD.
Trên thị trường tài chính, tính thanh khoản đã được đảm bảo cả ở thị trường tiền tệ, hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán. Hệ thông tài chính vẫn vững mạnh thì khi mở cửa lại, kinh tế có thể phục hồi.
Điểm sáng thứ hai là Việt Nam có dư địa chính sách tiền tệ và tài khóa. Không chỉ trong quý 4, mà trong năm 2022, Chính phủ vẫn có thể điều hành hai chính sách này theo hướng hỗ trợ kinh tế. Lãi suất tiền gửi đã ở mức thấp, nhưng lãi suất cho vay có thể tiếp tục giảm. Người dân và doanh nghiệp và người tiêu dùng đang rất cần các gói hỗ trợ mạnh từ gia tăng quy mô gói an sinh và miễn giảm thuế, đặc biệt là thuế giá trị gia tăng. Giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng giúp giảm giá bán lẻ để thúc đẩy tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và thực thi được ngay vì không cần thêm bộ máy triển khai.
Điểm sáng thứ ba là sức cầu của các thị trường nước ngoài vẫn lớn đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Khi biến thể Delta bùng phát, cũng có nhiều lo ngại rằng các nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ buộc phải giãn cách xã hội trở lại, phục hồi kinh tế sẽ bị gián đoạn, rồi sức mua sẽ bị suy giảm.
Song, chính phủ các nền kinh tế lớn cũng rất tự tin rằng, với tỷ lệ tiêm vaccine cao thì số ca nhiễm mới mặc dù tăng, nhưng tỷ lệ tử vọng không cao, từ đó không phải giãn cách xã hội, và nền kinh tế thì vẫn mở cửa.
Chính vì vậy, đà phục hồi kinh tế vẫn tiếp diễn. Cùng với đó, các chính phủ vẫn duy trì chương trình kích thích kinh tế cả về phía tiền tệ, lẫn phía tài khóa. Đây là Từ đó, xuất khẩu của Việt Nam vẫn mạnh.
Quý 4 cũng là cơ hội để sản xuất các đơn hàng phục vụ kỳ mua sắm dịp lễ cuối năm.
Liên quan đến điểm sáng thứ hai, điều này chỉ khả thi trong trường hợp Việt Nam phải mở cửa trở lại ngay bây giờ, thì mới kịp các đơn hàng cho Giáng sinh hay Lễ Tạ ơn. Vậy làm thế nào để tận dụng này?
Theo dự thảo lộ trình thích ứng an toàn, thì đa số các hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ được mở lại mà không phải thực hiện 3 tại chỗ hay 1 cung đường – 2 địa điểm.
Tất nhiên là việc thực hiện sẽ dẫn đến rủi ro, đó là nếu chính sách mở cửa không được làm ngay, doanh nghiệp FDI cũng sẽ dần mất niềm tin. Bên cạnh đó, chúng ta không thể chỉ mở cửa lại, mà cần một định hướng rõ ràng là phải thực sự thích ứng an toàn. Còn nếu như mở ra xong lại đóng lại, thì không thể nào mà phục hồi kinh tế được.
Một điểm rất quan trọng đối với chính sách cho doanh nghiệp đó là cần để doanh nghiệp thích ứng với dịch, vì đó là cơ hội kinh doanh của họ. Doanh nghiệp sợ nhất là khi có một ca nhiễm F0, họ buộc phải đóng cửa toàn bộ nhà máy để xử lý. Nếu như thế, khi cho cơ hội mở cửa, họ cũng sẽ rất ngập ngừng.
Bởi vậy, cần có một định hướng rõ, đó là mở của thì doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, giãn cách hợp lý ở các khâu sản xuất, các tổ kinh doanh.
Ngoài ra, chính sách cũng cần cho phép họ nếu xuất hiện ca nhiễm mới, thì chỉ khoanh vùng ở tổ sản xuất đó thôi, còn các dây chuyền khác, các tổ khác không tiếp xúc thì vẫn được sản xuất. Điều này cũng cần phải được thống nhất ở các địa phương, các khu công nghiệp.
Việt Nam đến nay đã từ bỏ chiến lược zero Covid và chuyển sang sống chung với virus. Theo ông chiến lược này đã phù hợp với tình hình hiện tại hay chưa, vì sao lại như vậy?
Với chiến lược sống chung với virus, hiện doanh nghiệp đang vô cùng mong đợi việc ban hành văn bản của Ban chỉ đạo quốc gia về thích ứng an toàn. Theo tinh thần của văn bản, thì dù ở mức độ dịch nặng nhất, các hoạt động kinh tế vẫn được mở, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có thể đảm bảo hoạt động. Điều này là quan trọng nhất.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn, khi mà độ phủ vaccine vẫn chưa cao, đặc biệt là tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi vaccine. Do vậy, vẫn còn ý kiến cho rằng phải có chỉ tiêu bắt buộc, đó là khi tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi vaccine cho người dân 50 tuổi trở lên chưa đạt 80%, thì vẫn chưa phải là an toàn.
Song, đây là mục tiêu rất cao. Trên thế giới chỉ có Singapore, hay Israel là đạt được tỷ lệ đó, những nước giàu và dân số thấp. Đến nay, TP. HCM vẫn ở cấp 4, là cấp cao nhất, thì đó là một cái thách thức rất lớn. Ở cấp độ này thì đi lại liên tỉnh/TP là không được phép.
Khi từ bỏ zero-Covid, Việt Nam cũng đã đặt mạnh vào vấn đề mở, nhưng phải an toàn. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp vẫn phải đáp ứng đủ điều kiện, vẫn cần tuân thủ quy định.
Một điểm nữa cũng rất khó khăn trong việc chuyển đổi chiến lược, đó là tại các địa phương đang kiểm soát dịch tốt và có tỷ lệ tiêm vaccine thấp, người dân và chính quyền nếu thấy số ca nhiễm cao sẽ sợ, không thể nào mà thích ứng an toàn được. Lúc đó họ chỉ có thể tiếp tục đóng cửa, và lại không có đi lại liên tỉnh.
Thực chất ở đây, bản thân người dân ở những địa phương này sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải thích ứng với chuyện không còn chính sách zero-Covid. Ví dụ như ở các nước, họ có tỷ lệ tiêm 2 mũi cao, như Singapore chẳng hạn, cứ mở ra là số ca nhiễm tăng do tính chất của chủng Delta này. Nhưng vì họ đã tiêm vaccine, nên bị nhiễm cũng không chuyển nặng, tỷ lệ tử vọng không cao.
Bên cạnh đó, những nơi có tỷ lệ tiêm vaccine thấp hiện cũng chưa thể mở cửa được. Bởi nếu cho người dân từ TP. HCM đến thì dịch sẽ bùng phát, trong khi vẫn chưa được tiêm, dẫn đến tỷ lệ tử vong sẽ cao.
Đâu là thách thức lớn nhất của Việt Nam trong 3 tháng cuối năm? Và mục tiêu quan trọng lúc này của Việt Nam là gì?
Thách thức lớn nhất vẫn là thích ứng an toàn để mở cửa lại kinh tế. Cụ thể, làm sao để kể cả ở cấp độ dịch cao nhất, thì các hoạt động kinh tế vẫn được mở và tuân thủ. Ngoài ra, cần phải tạo môi trường kinh doanh để các doanh nghiệp tự tin mở cửa lại, cũng như phục hồi hoạt động kinh doanh. Ví dụ như khi thích ứng bình thường mới, các giấy phép trước đó trong đoạn dịch không còn phù hợp nữa thì phải bỏ. Đối với các chỉ đạo, cũng cần phải có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để doanh nghiệp tuân thủ.
Thứ hai là thách thức về vaccine. Làm sao để đẩy nhanh độ phủ vaccine, cứ tiêm đủ vaccine thì có thể thích ứng. Khi ấy, dù số ca có thể tăng hay giảm, thì cũng không phải giãn cách diện rộng.
Thứ ba là khi sản xuất phục hồi, nhưng đầu tư tư nhân thì thường sẽ không phục hồi nhanh được. Do vậy, các dự án đầu tư công cần được đẩy mạnh giải ngân ngay sau khi nới lỏng giãn cách. Không chỉ thay thế cho đầu tư tư nhân trong vai trò là động lực tăng trưởng, các công trình được tái khởi động sẽ giúp ngành xây dựng phục hồi trở lại.
Cuối cùng là ngành vận tải. Không thể nào phục hồi mà chuỗi cung ứng, vận tải hàng hóa không thể lưu thông. Trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam, cứ hễ đẻ ra giấy phép và đòi hỏi doanh nghiệp phải xin cấp phép thì sẽ là rào cản đáng kể.
Quy định việc lái xe, lao động hỗ trợ logistics được tiêm đủ vaccine, nếu không phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ là phù hợp, đúng với tinh thần thích ứng an toàn. Việc tiếp tục yêu cầu thêm phải xin cấp QR code luồng xanh là không cần thiết nữa. Thực tế thời gian qua cho thấy việc cấp QR code là hình thức, là khó cho doanh nghiệp mà không thực tế tăng an toàn chống dịch