Ngày 29-8 vừa qua, nhà đầu tư chứng khoán đã chính thức được giao dịch T+2 (tiền hoặc cổ phiếu sẽ về tài khoản nhà đầu tư vào phiên chiều của ngày giao dịch thứ 2 tính từ ngày thực hiện mua bán). Đây được xem là một bước tiến lớn của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sau hơn 20 năm vận hành. \Việc rút ngắn chu kỳ thanh toán sẽ góp phần vào việc tăng thanh khoản, cũng như tăng mức độ hấp dẫn cho TTCK. Nhà đầu tư cũng sẽ chủ động hơn trong chiến lược đầu tư, như có thể kịp thời hiện thực hóa lợi nhuận hoặc giảm thiểu thiệt hại tùy theo diễn biến của thị trường.
Ám ảnh về T+
Thực tế, trong ngày đầu tiên áp dụng T+2, thanh khoản của thị trường đã tăng vọt. Lần đầu tiên sau nhiều tháng, giá trị giao dịch của sàn HoSE vượt mốc 20.000 tỉ đồng. Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Đông Á (DAS), đánh giá sau 3 ngày áp dụng T+2, đã có sự thay đổi tích cực về thanh khoản và tâm lý của nhà đầu tư.
Tuy vậy, với hầu hết các nhà đầu tư trên thị trường, giao dịch T+0 mới là mong mỏi lớn nhất, tức là họ có thể mua và bán cùng một cổ phiếu trong ngày. Bởi, dù rút ngắn chu kỳ thanh toán xuống mức nào thì rủi ro về T+ vẫn là nỗi ám ảnh với các nhà đầu tư khi quyết định mua bán một cổ phiếu. Nhiều nhà đầu tư bày tỏ mong muốn sớm có giao dịch T+0 để có thể mua bán cổ phiếu trong ngày và không còn chịu cảnh "vừa mua vừa hồi hộp hàng về tài khoản có bị lỗ hay không".
Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển đánh giá chu kỳ thanh toán chứng khoán T+2 hay T+3 đều khá lạc hậu so với các thị trường khác trên thế giới. Nó không bảo vệ được nhà đầu tư mà đôi khi lại bị những người có "quyền lực" về thông tin lợi dụng thao túng thị trường, dễ phát sinh giao dịch nội gián.
"Trong khi nguyên tắc của TTCK là minh bạch, công bằng và thông suốt thì chu kỳ T+3 hay T+2 giống như những con đập được dựng lên để điều tiết nước, khiến dòng chảy không liên tục. Trong thời đại 4.0, chúng ta đi sau, lẽ ra chúng ta phải ứng dụng những công nghệ mới để phát triển các sản phẩm hiện đại, tương xứng với các thị trường khác như giao dịch T+0, mua bán khống... Không phải đi sau rồi không dám triển khai hoặc triển khai từ từ, từng bước như thời gian qua sẽ không công bằng với những gì nhà đầu tư đã bỏ ra và khiến thị trường kém hấp dẫn hơn" - ông Hiển nêu quan điểm.
Nhà đầu tư kỳ vọng sớm được giao dịch T+0 để giảm bớt rủi ro thua lỗ. Ảnh: TẤN THẠNH
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Nguyễn Văn Trình cũng cho rằng dù thị trường đã áp dụng T+2 nhưng vẫn có rủi ro cho nhà đầu tư. Vì trong trường hợp cổ phiếu biến động mạnh như giảm sàn 2 phiên liên tiếp thì nhà đầu tư có thể lỗ khoảng 14%, hoặc nhà đầu tư mua xong, cổ phiếu chưa về tài khoản nhưng thấy việc mua là sai lầm, muốn đổi qua mã khác cũng phải chờ 1,5 ngày sau mới được bán cổ phiếu vừa mua này.
Do đó, việc sớm nghiên cứu áp dụng T+0 là cần thiết vì nhà đầu tư có thể mua bán cổ phiếu trong ngày, sửa sai ngay khi vừa mua xong. Nếu áp dụng giải pháp này sẽ góp phần thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài. Thời gian qua, TTCK Việt Nam được đánh giá tiềm năng, hấp dẫn… nhưng nhà đầu tư nước ngoài cũng không quá "mặn mà" vì mua cổ phiếu xong phải 3 ngày mới bán được. Trong khi ở nước ngoài, cổ phiếu có thể mua bán ngay trong ngày.
"Yếu tố mấu chốt của T+0 khi được triển khai là sẽ tăng tính thanh khoản cho thị trường. Hiện tại, mỗi ngày thị trường giao dịch khoảng 500-700 triệu cổ phiếu, thanh khoản dưới 20.000 tỉ đồng rất khó hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng nếu áp dụng T+0, thanh khoản có thể tăng mạnh, quy mô của thị trường cũng lớn dần, đây là một trong những điều kiện cần thiết để tính đến việc nâng hạng TTCK Việt Nam" - PGS-TS Nguyễn Văn Trình nói.
Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) từng có báo cáo nhận định giao dịch T+0 và được bán khống cổ phiếu nếu triển khai sẽ là cú hích giúp TTCK phát triển mạnh. Theo đó, giao dịch T+0 giúp thu hút lượng lớn nhà đầu tư tham gia và khiến vòng quay giao dịch tăng lên nhiều lần và thanh khoản sẽ tăng mạnh. Việc này cũng sẽ giúp Việt Nam cải thiện các tiêu chí đánh giá theo FTSE và MSCI. Từ đó, Việt Nam hoàn toàn có thể sẽ được đánh giá nâng hạng sang thị trường mới nổi và thu hút được lượng lớn dòng vốn ngoại.
Chờ hệ thống mới
Thực tế, cuối năm 2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 120 "mở đường" cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các sở giao dịch chứng khoán triển khai các sản phẩm mới cho TTCK như: bán khống và giao dịch T+0. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đến thời điểm này, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán chỉ mới rút ngắn chu kỳ thanh toán chứng khoán xuống T+2, còn những nội dung khác của Thông tư 120 vẫn chưa áp dụng.
Theo ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, hướng dẫn triển khai giao dịch T+0 đã có nhưng vấn đề nằm ở việc đồng bộ hệ thống công nghệ để triển khai cho tất cả các thành viên trên thị trường. "Việc rút ngắn thời gian thanh toán bù trừ, gia tăng thanh khoản cho thị trường, cùng nhiều sản phẩm, nghiệp vụ khác phải chờ hệ thống công nghệ hiện đại như KRX đi vào hoạt động mới có thể vận hành đồng bộ được. Hy vọng thời gian sớm nhất hệ thống này chính thức triển khai nhằm tiến tới mục tiêu nâng hạng cho TTCK Việt Nam" - ông Sơn kỳ vọng.
Một chuyên gia gắn bó nhiều năm trên TTCK cũng cho rằng câu chuyện nhanh hay chậm, rút ngắn thời gian thanh toán bù trừ để nhà đầu tư giao dịch T+0, mua bán khống cổ phiếu chủ yếu dựa trên hệ thống công nghệ. "Tại Việt Nam, hệ thống giao dịch mới KRX dù nói rất nhiều lần nhưng vẫn thất hẹn hết năm này qua năm khác. Để giao dịch T+0 sớm thành hiện thực rất cần sự quyết liệt hơn nữa của Bộ Tài chính" - vị này nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI), chỉ ra chính sự lạc hậu, phụ thuộc về công nghệ giao dịch khiến TTCK thời gian qua khó triển khai những sản phẩm mới cũng như rút ngắn chu kỳ thanh toán chứng khoán xuống T+0. Do đó, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán và các Sở Giao dịch chứng khoán cần quyết liệt đổi mới để đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư. Ngoài ra, nhân sự vận hành cũng cần phải thay đổi để có thể đáp ứng những yêu cầu mới.
"Việt Nam không phải là quá lạc hậu trong tiếp thu công nghệ mới, thậm chí chúng ta còn là cường quốc về công nghệ thông tin nhưng tôi cho rằng nhân sự và bộ máy điều hành cho một hệ thống công nghệ mới chắc chắn là vấn đề quan trọng cần phải xem lại để thay đổi, giúp TTCK phát triển hơn"- ông Hải góp ý.
Các nước giao dịch T+0 thế nào ?
Tại Mỹ, để tham gia giao dịch trong ngày thường xuyên (T+0), nhà đầu tư phải có ít nhất 25.000 USD tiền mặt và chứng khoán trong tài khoản, cũng như đủ điều kiện giao dịch ký quỹ với công ty chứng khoán. Nếu không đáp ứng các yêu cầu này, nhà đầu tư chỉ có thể thực hiện giao dịch T+3 chứ không được mua bán cổ phiếu trong ngày.
Ngoài những hạn chế trên, công ty chứng khoán có thể áp đặt rào cản với tài khoản của khách hàng để giới hạn khả năng mua và bán cổ phiếu trong cùng một ngày. Nếu tài khoản quá mới hoặc công ty chứng khoán cho rằng khách hàng không đủ kinh nghiệm đầu tư, họ có thể hạn chế khả năng giao dịch của khách hàng. Nếu không đủ tiền trong tài khoản cũng bị hạn chế giao dịch trong ngày.
Tại Anh, không có giới hạn nào đối với giao dịch T+0 nếu nhà đầu tư sống ở Anh. Người dùng có thể mua bán trong ngày bao nhiêu lần tùy ý, trên bất kỳ thị trường mở nào. Các sàn giao dịch chứng khoán của Nhật Bản cũng đã rút ngắn chu kỳ thanh toán chứng khoán của họ xuống một ngày làm việc bắt đầu từ năm 2019 nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh với thị trường quốc tế.
Hồng Kông - Trung Quốc giống như hầu hết các TTCK ở các nền kinh tế phát triển, đã giao dịch T+0 từ lâu. Hồi năm 2014, Sở Giao dịch chứng khoán Thượng Hải (SSE) cho biết các sàn giao dịch chứng khoán của Trung Quốc đã đáp ứng yêu cầu cần thiết cho giao dịch T+0. Ông Wang Tingting, phó giáo sư tài chính tại Trường ĐH Tài chính và Kinh tế trung ương (Trung Quốc), từng nhận định hệ thống T+1 làm giảm hiệu quả của thị trường cổ phiếu Trung Quốc loại A trong việc phản ánh mối quan hệ cung cầu về giá cả, vì việc bán cổ phiếu có thể bị trì hoãn trong khi lệnh mua thì không.
Hệ thống T+1 cũng khiến một số nhà đầu tư ngắn hạn không thể tránh khỏi thua lỗ khi giá cổ phiếu của họ lao dốc trong cùng ngày giao dịch. Cổ phiếu Trung Quốc loại A là cổ phiếu chứng khoán của các công ty có trụ sở tại Trung Quốc, giao dịch trên 2 Sàn chứng khoán Trung Quốc là SSE và Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến.
T.Châu