Thị trường phiên chiều diễn ra vẫn không có quá nhiều sự thay đổi so với phiên sáng. HNX-Index tiếp tục giảm điểm do không có lực đẩy đến từ nhóm cổ phiếu dẫn dắt, trong khi đó, VN-Index may mắn duy trì được sắc xanh nhờ vào nỗ lực đến từ các cổ phiếu như VRE, VJC, VIC , MSN, BID, BVH…Trong đó, BID gây bất ngờ khi được mua mạnh trong phiên ATC và chốt phiên tăng 1% lên 44.550 đồng/CP. Cặp đôi cổ phiếu VIC và VRE vẫn làm tốt nhiệm vụ làm trụ đỡ cho thị trường và đều tăng 1%.
Trong khi đó, sắc đỏ tiếp tục bao trùm lên hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn như SAB, VCB, FPT, CTG, ACB… Trong đó, SAB giảm sâu 2% xuống 239.100 đồng/CP. ACB giảm 1,3% xuống 46.900 đồng/CP. CTG giảm 1,7% xuống 3.200 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu họ ‘P’, PVD và PVC vẫn còn giảm giá trong phiên hôm nay, nhưng mức giảm được thu hẹp lại đáng kể. PVD giảm 1,5% còn PVC giảm 3,33%. Trong khi đó, GAS, PVS hay PLX đều có được sự hồi phục đáng kể. PLX tăng 1,1% lên 82.900 đồng/CP. PVS tăng 2,3% lên 22.100 đồng/CP.
Điểm đáng chú ý của thị trường phiên hôm nay là việc giao dịch thỏa thuận đạt mức rất cao với khoảng 1.900 tỷ đồng. Trong đó, FPT có giao dịch thỏa thuận lên đến gần 9,2 triệu cổ phiếu và đều ở mức giá trần, trị giá 584,9 tỷ đồng. DIG cũng thỏa thuận 5,03 triệu cổ phiếu, trị giá 130,78 tỷ đồng. MBB được khối ngoại thỏa thuận nội khối gần 3,6 triệu cổ phiếu, trị giá 126 tỷ đồng. Ngoài ra, NVL và VNM cũng giao dịch thỏa thuận lần lượt 2,3 triệu cổ phiếu (152 tỷ đồng) và 1 triệu cổ phiếu (221,5 tỷ đồng).
Giao dịch thỏa thuận bất ngờ tăng vọt nhưng thanh khoản thị trường vẫn sụt giảm so với phiên trước, tổng khối lượng giao dịch là 253 triệu cổ phiếu, trị giá khoảng 7.000 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 0,51 điểm (0,04%) lên 1.172,24 điểm. Toàn sàn có 120 mã tăng, 160 mã giảm và 61 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 0,73 điểm (0,55%) lên 132,56 điểm. Toàn sàn có 89 mã tăng, 87 mã giảm và 57 mã đứng giá.
Thị trường về cuối phiên sáng giao dịch có phần tiêu cực hơn. Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn trên cả hai sàn HOSE và HNX bị bán mạnh và đều lùi sâu xuống dưới mốc tham chiếu. Cụ thể, các mã như ROS, SAB,… đều giảm khá mạnh. Trong đó, ROS giảm 2,8% xuống 139.900 đồng/CP và khớp lệnh gần 5,2 triệu cổ phiếu. SAB giảm 1,3% xuống 240.800 đồng/CP.
Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã vấp phải áp lực điều chỉnh khá lớn. HDB là cổ phiếu ngân hàng hiếm hoi còn duy trì được sắc xanh trong khi hàng loạt các cổ phiếu khác sụt giảm. HDB phiên sáng nay tăng 0,4% lên 45.000 đồng/CP. Trong khi đó, VCB giảm 1,4% xuống 70.000 đồng/CP. SHB giảm 1,5% xuống 13.000 đồng/CP và khớp lệnh 6,8 triệu cổ phiếu.
Trong khi đó, đà giảm của hai chỉ số chính không quá mạnh nhờ vào lực đỡ tốt đến từ các mã trụ cột nhưu VIC, VJC, VRE, MSN, BVH… Đáng kể nhất là PVS, cổ phiếu này đảo chiều tăng lại 0,5% lên 21.700 đồng/CP và khớp lệnh 5,2 triệu cổ phiếu.
Thanh khoản thị trường tương đương phiên trước với tổng khối lượng đạt 142 triệu cổ phiếu, trị giá trên 3.700 tỷ đồng.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 2,66 điểm (0,23%) xuống 1.169,07 điểm. Toàn sàn có 101 mã tăng, 161 mã giảm và 51 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 0,95 điểm (-0,71%) xuống 132,34 điểm. Toàn sàn có 56 mã tăng, 74 mã giảm và 59 mã đứng giá.
Thị trường chứng khoán Việt Nam trước khi bước vào phiên giao dịch mới đón nhận một số tin không mấy tích cực đến từ thị trường chứng khoán thế giới. Cụ thể, cổ phiếu của hàng loạt công ty công nghệ giảm kéo thị trường chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ. Chỉ số tổng hợp Nasdaq giảm 2,9% xuống 7.009 điểm do cổ phiếu Apple và Amazon giảm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,7% xuống 2.613 điểm với các cổ phiếu công nghệ giảm 3,5%. Chỉ số Dow Jones giảm 345 điểm xuống 23.858 điểm.
Bên cạnh đó, thông tin giá dầu hôm thứ ba tiếp tục giảm có thể tác động tiêu cực đến nhóm cổ phiếu ngành dầu khí trên thị trường Việt Nam.
Mở cửa phiên giao dịch mới, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang có sự phân hóa mạnh. Trong đó, sắc đỏ ở nhóm vốn hóa có phần chiếm ưu thế hơn. Đáng chú ý, các cổ phiếu dầu khí như PVD, PVS, PVC… đều giảm mạnh. Trong đó, PVD giảm 4,6% xuống 18.500 đồng/CP. PVS giảm 1,9% xuống 21.200 đồng/CP.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu như VNM, VCB, PLX, SAB, ROS, BVH, CTG… cũng đang giảm giá nhẹ.
Ở chiều ngược lại, GAS, BID, VIC, VRE… là những nhân tố chủ chốt giúp VN-Index bật tăng trở lại sau ít phút giảm điểm. VIC đang tăng 1% lên 114.100 đồng/CP. VRE tăng 2,2% lên 51.400 đồng/CP.
Còn tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, FLC tiếp tục tăng mạnh 3,2% lên 6.790 đồng/CP và khớp lệnh được 7,3 triệu cổ phiếu. APC tăng mạnh 4,8% lên 39.500 đồng/CP.
Sau khoảng 55 phút giao dịch, VN-Index tăng 2,19 điểm (0,19%) lên 1.173,92 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 52,7 triệu cổ phiếu, trị giá 1.617 tỷ đồng.
HNX-Index giảm 0,34 điểm (0,26%) lên 132,92 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 12,6 triệu cổ phiếu, trị giá 193 tỷ đồng.
Theo VCBS, trong ngắn hạn, việc chỉ số giao dịch giằng co tại vùng 1.170 với sự xoay trục luân phiên giữa các cổ phiếu bluechips đầu ngành Ngân hàng, Bất động sản là yếu tố khiến cho nhà đầu tư sẽ có nhiều lợi thế khi áp dụng chiến lược giao dịch nhanh T+ mua thấp- bán cao. Trong khi đó, đối với các nhà đầu tư tìm kiếm các cơ hội giải ngân trung hạn, các cổ phiếu tăng trưởng với triển vọng kinh doanh khả quan trong năm 2018 vẫn sẽ là các cổ phiếu được VCBS lựa chọn cho giai đoạn này. |