Giáo sư Carl Thayer, người hiện đang công tác tại Học viện Quốc phòng, Đại học New South Wales (Úc), nhận định về chuyến thăm đầu tiên của một Phó Tổng thống Mỹ tới Việt Nam.
- Kỳ vọng từ phía Mỹ và những ưu tiên hàng đầu trong chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris là gì?
Phó Tổng Thống sẽ có 2 ưu tiên chính. Đầu tiên, bà sẽ nếu bật những vấn đề đang nổi cộm trong khu vực và trên toàn cầu, ví dụ như phòng chống biến đổi khí hậu, an ninh mạng, hợp tác giữa Đông Nam Á và Mỹ trên cơ sở tôn trọng trật tự quốc tế. Sự hợp tác này bao gồm tự do thương mại ở Biển Đông và hợp tác về an ninh khu vực.
Thứ hai, bà cũng sẽ thảo luận về việc làm thế nào để củng cố quan hệ "hợp tác toàn diện" giữa Việt Nam và Mỹ thông qua mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực như ngoại giao – chính trị, thương mại và kinh tế, khoa học kỹ thuật, trao đổi giáo dục, môi trường và y tế, nhân quyền, các vấn đề liên quan đến chiến tranh và trao đổi dân cư (thông qua các kênh văn hóa, du lịch và thể thao).
Các doanh nghiệp tư nhân của Mỹ đã vận động hành lang để bà Harris thúc đẩy vaccine Covid-19 cho các nhân công làm việc trong các ngành dệt may, da giày và du lịch. Điều này là bởi Việt Nam là nhà xuất khẩu lớn nhất các mặt hàng này ở thị trường Mỹ.
Bà cũng sẽ bàn luận về sự ổn định của chuỗi cung ứng kết nối Việt – Mỹ. Một trong những lĩnh vực quan trọng được quan tâm nhất là làm thế nào để Mỹ có thể hỗ trợ Việt Nam nâng cấp khả năng sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực chip bán dẫn trong bối cảnh Mỹ hiện đang thiếu chip nghiêm trọng.
- Theo quan điểm của ông, Việt Nam kỳ vọng gì từ chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris?
Việt Nam sẽ kỳ vọng bà Harris tái khẳng định những cam kết sẽ mở rộng mối quan hệ song phương trong khuôn khổ "đối tác toàn diện. Đặc biệt, ưu tiên hàng đầu sẽ là chống lại đại dịch Covid-19 thông qua việc cung cấp, hỗ trợ thêm vaccine, thiết bị y tế và chuyển giao công nghệ để Việt Nam có thể tự sản xuất vaccine nội địa.
Ưu tiên thứ 2 sẽ là tìm cách phát triển quan hệ kinh tế song phương trên các khía cạnh thương mại và đầu tư. Các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ muốn được thông báo về kế hoạch của Mỹ đối với hiệp định thương mại số giữa Mỹ và khu vực và cả những sự hỗ trợ mà Mỹ dành cho Việt Nam để nâng cấp khả năng sản xuất của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
- Bà Kamala Harris sẽ là Phó Tổng Thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên tới thăm Việt Nam. Điều này có ý nghĩa như thế nào với quan hệ Việt – Mỹ?
Chuyến thăm là 1 tín hiệu cho thấy chính quyền Biden dành ưu tiên cho mối quan hệ với Việt Nam, đặt trong chiến lược của Mỹ ở khu vực. Việc 1 Phó Tổng Thống Mỹ đương nhiệm tới Việt Nam là điều chưa từng có tiền lệ. Bởi vì bà Harris có vị trí cao cấp trong chính quyền Biden, chuyến thăm cho thấy Mỹ coi Việt Nam là 1 thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Ngoài ra chuyến thăm là tín hiệu cho thấy cam kết củng cố và phát triển mối quan hệ Việt – Mỹ hợp tác toàn diện từ phía Mỹ.
- Chuyến thăm của bà Harris diễn ra chỉ 1 tháng sau khi Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Austin tới Việt Nam. Điều này có ý nghĩa gì?
Trong tài liệu hướng dẫn chiến lược an ninh quốc gia được chính quyền Biden công bố hồi tháng 3, Singapore và Việt Nam được liệt kê là 2 đối tác hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á.
Những kế hoạch đầu tiên của chính quyền Biden nhằm tương tác với Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đã gặp một số trục trặc bởi những lý do nằm ngoài tầm kiểm soát. Cuộc họp trực tuyến đầu tiên của Ngoại trưởng Anthony Blinken với các ngoại trưởng ASEAN đã gặp trục trặc kỹ thuật. Sau đó chuyến thăm mà Bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin dự định tới Singapore và Việt Nam đã bị trì hoãn vì dịch bệnh trở nên nặng hơn ở cả 2 nước.
Chuyến thăm của cả ông Austin và bà Harris tới Singapore và Việt Nam không có lý do nào cấp bách nhưng đó là kết quả của việc từ lâu Mỹ đã nhìn nhận cả 2 nước đóng vai trò quan trọng.
Việt Nam quan trọng vì có vai trò nổi bật ở ASEAN và cũng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, bằng chứng là đã 2 lần trúng cử làm Ủy viên không thường trực của hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc (nhiệm kỳ 2008-09 và 2020-21). Hà Nội cũng là nơi được lựa chọn làm địa điểm tổ chức hội nghị Mỹ - Triều lần 2.
- Tại Hà Nội, bà Harris sẽ tham dự lễ ra mắt văn phòng CDC Mỹ ở khu vực Đông Nam Á. Điều này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh đại dịch Covid-19?
Đây sẽ là 1 bước phát triển quan trọng bởi vì nó thể hiện cam kết dài hạn của Mỹ đối với không chỉ Việt Nam mà còn với khu vực ASEAN. CDC sẽ thúc đẩy sự hợp tác giữa các chuyên gia y tế cộng đồng trong khu vực để thu thập dữ liệu về thực trạng sử dụng cũng như mức độ hiệu quả của vaccine để từ đó đưa ra những khuyến nghị chính sách nhằm chiến đấu với dịch bệnh cũng như hồi phục sau đại dịch.