Đợt sóng nhiệt lịch sử tràn vào phía tây châu Âu tuần này đưa nhiệt độ lên cao kỷ lục tại nhiều quốc gia như Pháp, Bỉ và Đức, cả người dân và hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông tại đây đang phải vật lộn ứng phó.
Sáng ngày thứ Sáu (26/7), hàng loạt chuyến bay tại sân bay Heathrow và Gatwick - hai sân bay lớn nhất tại Anh bị hoãn vì nhiệt độ quá cao. Hệ thống đường sắt tại nước này cũng bị hư hại do nhiệt độ cao bất thường khiến các đường ray bị giãn nở, dẫn tới nhiều chuyến tàu phải dừng hoạt động, công ty đường sắt Network Rail của Anh cho biết.
Hành khách nằm nghỉ tại sân bay Heathrow, London ngày 26/7 khi thời tiết khắc nghiệt khắp châu Âu khiến hàng loạt chuyến bay bị hoãn và huỷ - Ảnh: Getty Images.
Tại Áo, dịch vụ đường sắt quốc gia đã phải sơn lại một số đường ray thành màu trắng để hạ nhiệt độ và hạn chế những thiệt hại gây ra do tình trạng giãn nở và uốn cong. Biện pháp tương tự cũng được các nhà chức trách của Thuỵ Sỹ và Đức thực hiện.
Trước đó, đêm ngày thứ Năm (25/7), nhiều hành khách đi tàu tại London (Anh) bị mắc kẹt khi đường điện của hệ thống đường sắt bị hư hại do nhiệt độ cao. Dịch vụ tàu cao tốc tại Paris cũng bị đình trệ vào ngày thứ Sáu do sự cố cáp điện tại ga Gare du Nord station ở thủ đô nước Pháp.
Trên khắp châu Âu, người dân liên tục chia sẻ trên Twitter về việc bị mắc kẹt do hệ thống đường sắt bị đình trệ và không có điều hoà nhiệt độ. Tại London, khoảng 600 hành khách đã được sơ tán sau khi một đường tàu quá nóng gây cháy đám cỏ bên đường ray, truyền thông Anh đưa tin ngày thứ Sáu.
Điều hoà nhiệt độ tại châu Âu là thứ khan hiếm, càng làm tình hình trở nên tồi tệ hơn với du khách và người dân. Châu Âu chỉ chiếm khoảng 6% lượng điều hoà nhiệt độ toàn cầu, so với 23% tại Mỹ, theo một báo cáo năm 2018 của Cơ quan Năng lượng Thế giới (IEA).
"Điều hoà nhiệt độ trên các tàu không hoạt động và bạn không thể mở cửa. Điều hoà nhiệt độ không phải là thứ phổ biến ở đây, điều này đồng nghĩa người dân phải chịu đựng khổ sở hơn nữa", Karsten Haustein, nhà khoa học môi trường tại Đại học Oxford, cho biết.
Các nhà nghiên cứu khí hậu cảnh báo sóng nhiệt khắc nghiệt tương tự thế này sẽ trở thành hiện tượng xảy ra thường xuyên hơn tại châu Âu và hệ thống cơ sở hạ tầng như đường bộ, đường sắt, nhà ở tại đây cần phải thay đổi để chịu đựng thời tiết cực đoan.
Năm ngoái, nhiệt độ tăng cao khiến hệ thống đường sắt tại Anh bị đình trệ, gây thiệt hại khoảng 40 triệu Bảng Anh (50 triệu USD) cho các công ty đường sắt, Alastair Chisholm, giám đốc chính sách tại Viện Quản lý Môi trường và Nước Chartered cho biết.
Theo các nhà khoa học, những mùa hè nóng nhất tại châu Âu trong 500 năm qua điều đã xảy ra trong 17 năm vừa rồi. Các nghiên cứu về khí hậu đều cho thấy sóng nhiệt do biến đổi khí hậu sẽ trở nên phổ biến trên khắp thế giới, đưa nhiệt độ lên các mức kỷ lục cao nhất lịch sử.
Báo cáo của cơ quan dự báo thời tiết Met Office của Anh, nước này đang trải qua nhiệt độ cao và kéo dài chưa từng thấy trong lịch sử. Hội đồng cố vấn về biến đổi khí hậu của chính phủ Anh cũng cảnh báo rằng hệ thống cơ sở hạ tầng của nước này không được chuẩn bị để ứng phó với sự gia tăng đột ngột của các đợt sóng nhiệt khắc nghiệt.
"Những đợt sóng nhiệt như thế này hiếm khi xảy ra nên không có nhiều sự chuẩn bị để ứng phó. Trong tương lai, chúng sẽ diễn ra thường xuyên hơn", ôn Haustein cho biết.
Châu Âu đang trải qua đợt sóng nhiệt kỷ lục - Nguồn: BBC.
Nhiệt độ đo được tại Paris cao nhất ở mức kỷ lục 42 độ C hôm thứ Năm. Chính phủ Pháp đã phát đi báo động đỏ tại 19 quận của Paris và dự báo nhiệt độ có thể lên tới 42 - 43 độ tại các khu vực khác của nước này. Trong khi đó, tại nhiều quốc gia như Bỉ, Đức, Luxembourg và Hà Lan, nhiệt độ cũng lên cao kỷ lục trên 41 độ C - mức cao nhất trong hàng chục năm trở lại đây.
Chính quyền tại Pháp cảnh báo người dân hạn chế ra ngoài đường và ở trong nhà nếu có thể. Các báo cáo của Pháp cho biết đã có ít nhất 5 người chết với nguyên nhân liên quan tới nhiệt độ cao. Trước đó, đợt sóng nhiệt dữ dội vào tháng 8/2013 đã khiến 15.000 người chết tại nước này.