Khác với phân khúc chung cư, biệt thự liền kề hay nhà phố thương mại lại nhắm đến những đối tượng khách hàng có tiền. Tại thị trường này cũng có người mua để ở nhưng cũng có người ‘xuống tiền’ chỉ để đầu tư hay mua làm tài sản để dành.
Theo quan sát trên thị trường Hà Nội hiện nay, tùy theo từng từng vị trí, quy mô dự án mà biệt thự, nhà phố thương mại có giá bán khác nhau.
Phải có trong tay hàng chục tỷ đồng mới mơ đến việc mua biệt thự, liền kề, nhà phố thương mại ở Hà Nội hiện nay. (Ảnh: Minh Thư)
Đơn cử, tại dự án The Manor Central Park nằm trên đường Nguyễn Xiển thuộc địa phận huyện Thanh Trì và quận Hoàng Mai, các căn biệt thự diện tích hơn 200m2 được chào bán lên tới 37-40 tỷ đồng/căn.
Cũng tại dự án này, sản phẩm nhà phố thương mại có diện tích 75m2 được chào bán khoảng từ 17-20 tỷ đồng/căn. Nhưng cũng có căn nhà phố thương mại nằm ở vị trí lô góc, đẹp, diện tích hơn 100m2 có giá bán lên tới hơn 30 tỷ đồng/căn, tức là hơn 300 triệu đồng/m2.
Tại khu đô thị Nam Thăng Long - Ciputra Hà Nội nằm ở quận Tây Hồ, biệt thự, liền kề và nhà phố thương mại ở đây cũng có giá cao ngất. Chẳng hạn, biệt thự ở dự án Grand Gardenville - khu K Ciputra có giá khoảng 26-41 tỷ đồng/căn, tùy diện tích. Biệt thự ở khu Q Ciputra có giá 160 triệu đồng/m2; thậm chí biệt thự ở dự án Sunshine Wonder Villas có giá khoảng 200-260 triệu đồng/m2...
Tại quận Hà Đông, giá bán của các căn biệt thự ở dự án An Vượng Villa có diện tích khoảng 200m2 cũng lên tới 17-20 tỷ đồng/căn. Còn tại dự án Him Lam Vạn Phúc, các căn nhà phố có giá bán từ 140 triệu đồng/m2 trở lên.
Tại huyện Hoài Đức, dự án An Lạc Green Symphony được chào bán với khoảng giá 70 triệu đồng/m2 với biệt thự, 100 triệu đồng/m2 với liền kề, shophouse. Hado Charm Villas có khoảng giá 60 triệu đồng/m2. Hay dự án Hinode Royal Park có mức giá 65-76 triệu đồng/m2, tùy vị trí đường rộng bao nhiêu.
Ngoài ra, trên thị trường thứ cấp, một số dự án đã có mức tăng giá so với trước đây. Đơn cử, biệt thự, liền kề tại khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), năm 2018, giá đất khu B đã tăng từ 40-42 triệu đồng/m2 thì năm 2021 giá đã lên mức 57-60 triệu đồng/m2; khu D có mức tăng từ 40-48 triệu đồng/m2 lên mức 65-70 triệu đồng/m2; khu C cũng tăng từ 40-42 triệu đồng/m2 lên mức 64-75 triệu đồng/m2.
Khu biệt thự, liền kề Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) cũng ghi nhận mức tăng từ 55-65 triệu đồng/m2 năm 2018 lên mức 80-90 triệu đồng/m2 năm 2021.
Hay tại dự án Vinhomes Riveride The Harmony ở quận Long Biên hiện có nhiều biệt thự song lập, đơn lập, tứ lập hay liền kề hiện đang được chủ sở hữu chuyển nhượng lại với giá 16 tỷ đến hơn 40 tỷ đồng mỗi căn, tùy diện tích và vị trí.
Hiện nay theo quan sát, nguồn cung biệt thự, liền kề tập trung ở các quận huyện phía Tây Hà Nội như Hà Đông, huyện Hoài Đức.
Giới chuyên gia đánh giá, khu vực phía Tây sẽ là tâm điểm tăng trưởng, trở thành khu vực trung tâm mới với các đô thị vệ tinh hiện đại vào năm 2025. Khu vực phía Tây đã có nhiều dự án cải tạo và mở rộng cơ sở hạ tầng như Đại lộ Thăng Long, đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đường Tố Hữu - Lê Văn Lương với tuyến xe buýt nhanh BRT, đường Trung Văn nối Mễ Trì - Mỹ Đình và nhiều trục đường chính khác đi qua các quận trung tâm như Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ…
Về diễn biến giá, theo báo cáo quý 1/2021 của Savills, giá bán sơ cấp trung bình của biệt thự đạt 4.463 USD/m2, tăng 4% so với qúy trước và 12% so với cùng kì năm trước. Giá trung bình của nhà liền kề là 4.664 USD/m2, giảm 3% so với qúy trước và tăng 14% so với quý 1/2020.
Về dài hạn, tiềm năng tăng giá trị của bất động sản biệt thự, nhà phố thương mại vẫn được đánh giá cao hơn so với căn hộ. Nhiều nhà đầu tư vẫn đang tìm kiếm các bất động sản biệt thự, nhà phố thương mại xa trung tâm mà giá hợp lý để tìm kiếm lợi nhuận khi những khu vực đó phát triển hơn trong tương lai.