Người giàu... cũng khóc
Những ngày này, nông dân Tây Nguyên đang tất bật chăm sóc cây tiêu chuẩn bị cho vụ thu hoạch kế tiếp. Khác với không khí hào hứng thường thấy, khuôn mặt ai nấy đều khắc khoải nỗi lo, hy vọng vào mùa giá cả tăng lên chút đỉnh để trả bớt nợ nần.
Xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song được ví là xã tỷ phú của tỉnh Đắk Nông với 3.000 hộ dân, chủ yếu làm nghề nông nhưng có tới gần 35% số hộ có thu nhập 1 tỷ đồng/năm trở lên. Toàn xã có 500 căn nhà xây từ 1 tỷ đồng/căn, gần 300 chiếc xe ô tô con các loại, và hàng trăm xe ô tô tải, dịch vụ du lịch, vận tải khác… Số tài sản này có được là nhờ nông dân liên tiếp trúng mùa hồ tiêu. Thế nhưng 3 năm trở lại đây, cây tiêu bắt đầu nhiễm bệnh, bị ngập úng chết hàng loạt, người dân vay tiền đầu tư trồng lại nhưng cây không sống nổi.
Gia đình ông Nguyễn Thành Trung (55 tuổi, thôn Đắk Lư, xã Nâm N’Jang) là một trong nhiều hộ dân sở hữu diện tích hồ tiêu lớn của xã với 12 ha, tương đương gần 10.000 trụ, trong đó khoảng 5 ha tiêu kinh doanh cho thu nhập trung bình từ 5-6 tấn/ha, số còn lại đang trong giai đoạn phủ trụ. Theo tính toán của ông, nếu cây tiêu phát triển tốt, không sâu bệnh, giá cả ổn định ở mức 120 nghìn đồng/ký, ông sẽ nắm trong tay vài tỷ/năm. Tuy nhiên, người tính không bằng trời tính, từ ngày xuống trụ, tiêu liên tục bị ngập úng, thối rễ chết gần một nửa. Ông phá đi, vay ngân hàng tiền tỷ để đầu tư trồng lại nhưng vẫn không ăn thua. Đã vậy, giá hồ tiêu liên tục giảm không có điểm dừng, hiện chỉ còn 80 nghìn đồng/ký. Ông chỉ mong vụ tiêu năm nay cho thu nhập đủ để trả lãi ngân hàng.
Cũng vì thấy nhiều gương nông dân trở thành triệu phú, tỷ phú nhờ trồng tiêu, năm 2013, anh Hồ Văn Nghĩa, ở thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) đang trồng cà phê, vay mượn đủ đường để mua thêm 4 ha đất, xuống trụ với hy vọng đổi đời. Không ngờ khi cây tiêu bắt đầu cho thu hoạch cũng là lúc thời kỳ hoàng kim của “vàng đen” đã hết. Anh Nghĩa tâm sự: Tiền đầu tư cho tiêu bao năm qua anh đều lấy từ vườn cà phê, cộng thêm ký nợ phân bón, thuốc men ở đại lý, chưa kể tiền thuê nhân công chăm sóc… tính sơ sơ ngốn cả tiền tỷ. Vậy mà lúc cây tiêu bắt đầu cho thu hoạch thì giá rớt thảm hại.
Không riêng gia đình ông Trung, anh Nghĩa, nhiều nông dân do muốn “đánh mẻ thắng lớn” nên dồn tiền, vay thêm ngân hàng mua đất mở rộng diện tích. Nay tiêu rớt giá, bị bệnh…họ cố gắng vay tiền “cứu chữa” cầm cự chờ thời.
Bỏ nhà tha hương vì… tiêu
Nhắc tên bà Lê Thị Vui (SN 1957), người dân ở thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh (Gia Lai) ai cũng biết đến bởi bà quá nổi tiếng với hành trình làm giàu từ cây tiêu. Thời vàng son, gia đình bà sở hữu gần chục ha đất trồng hơn 20.000 trụ tiêu, nhà lầu, xe hơi có đủ. Nhưng giờ đây, dù đã bước vào tuổi 60 nhưng bà vẫn hàng ngày cặm cụi đi bán từng bó rau để mưu sinh qua ngày. Bà Vui kể, thời đó, trồng tiêu dễ như trồng dây khoai lang, chỉ cần trúng vài vụ là đã có tiền mua đất, cất nhà. Còn 3 năm nay, vườn tiêu bị bệnh, gia đình bà mua thuốc đến tiền tỷ nhưng tiêu không khỏi bệnh. Thiếu tiền, bà đi vay ngân hàng, đến khi nợ lên 4 tỷ đồng, vườn tiêu chết sạch. Để có tiền trả lãi hàng tháng, bà phải đã nhổ trụ tiêu bằng gỗ để bán. Cùng đường, bà treo biển bán cả nhà và đất để trả ngân hàng nhưng chẳng có ai mua.
Cùng cảnh ngộ, gia đình chị Lương Thị Bích Phượng (SN 1977) từng là gương điển hình từ tay trắng vươn lên làm giàu nhờ trồng hồ tiêu. Song việc mở rộng diện tích hồ tiêu lên đến con số 8.000 trụ tiêu, đã để lại cho gia đình chị gần 4,6 tỷ đồng với số tiền lãi hơn 40 triệu đồng/tháng. Suốt ngày chị phải lo chạy đôn chạy đáo vay nóng đảo nợ ngân hàng, số tiền nợ cứ ngày càng tăng lên. Chị cũng đã nhổ hết trụ tiêu gỗ để bán, trồng các loại nông sản ngắn ngày nhưng chỉ đủ ăn chứ chẳng thấm vào đâu so với số tiền lãi hàng tháng. Tương tự hàng chục hộ dân ở các thôn Hòa Thắng, Hòa Bình, Hòa An, huyện Chư Pưh, từng ngồi ô tô tiền tỷ nhưng giờ phải đi làm thuê để có cái ăn qua ngày. Một số khác thì buông xuôi, bỏ nhà, dắt díu nhau vào Nam tha hương cầu thực.
Ông Nguyễn Long Khánh, Phó Phòng NN&PTNT huyện Chư Pưh cho biết, toàn huyện có hơn 2.800 ha đất trồng hồ tiêu. Từ năm 2014 đến nay, có hơn 300 ha tiêu ở các xã Ia Blứ, Ia Hla, thị trấn Nhơn Hòa, xã Ia Hrú… bị chết hoàn toàn khiến nông dân lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất. Nhiều người vay ngân hàng nhưng không có tiền để trả phải bán nhà, đất nhưng không ai mua. Chư Pưh có 80% dân số là nông dân đang gặp khó khăn về kinh tế, ảnh hưởng không nhỏ tình hình an ninh trật tự. Huyện nhiều lần đề xuất UBND tỉnh có chủ trương giúp nông dân vượt qua thời điểm khó khăn. Phòng cũng tham mưu huyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tránh việc phụ thuộc mạnh vào cây hồ tiêu.