Đầu tiên, ông Phan Đức Hiếu phân tích: "Luật doanh nghiệp có hai mảng tác động lớn nhất đến cải cách. Thứ nhất là gia nhập thị trường và quyền tự do kinh doanh. Trong suốt lịch sử hình thành, đây là mảng có thành tựu đáng ghi nhận của Luật doanh nghiệp".
"Tuy nhiên, mảng thứ hai, khái niệm về quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn còn là khái niệm xa xỉ. Từ thảo luận chính sách đến thực tiễn hiện nay, quản trị doanh nghiệp vẫn là xa xỉ" - ông Hiếu nhận định.
Để hiểu Luật doanh nghiệp 2020, cần nhìn lại một chút về lịch sử để thấy được sứ mệnh, vai trò và những điều mà Luật doanh nghiệp đã làm được.
Luật doanh nghiệp đã trải qua 4 giai đoạn. Luật doanh nghiệp năm 1990 chia làm hai phần là luật công ty và luật doanh nghiệp tư nhân, đến năm 1999 lại nhập lại thành Luật doanh nghiệp. Sau đó, Việt nam có phiên bản Luật doanh nghiệp 2005, 2014 và giờ là Luật doanh nghiệp 2020.
Trước năm 2000, doanh nghiệp chỉ được làm những gì mà cơ quan quản lý nhà nước cho phép. Và ở thời điểm đó, quyền kinh doanh là của nhà nước. Như vậy, ai kinh doanh thì nhà nước cho quyền đó. Còn hiện tại, quyền kinh doanh là của người dân.
Ông Phan Đức Hiếu kể lại: "Tôi nhớ lại câu chuyện 300 giấy phép kinh doanh năm 1999. Hồi ấy giấy phép được sinh ra không dựa trên bất kể một quy định pháp luật nào. Giấy phép cấp cho chị đi thu mua ve chai do một xã cấp, và không dựa trên căn cứ gì, có giá trị 6 tháng. Bất cứ hoạt động kinh doanh nào cũng phải xin phép".
Trong suốt giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2000, theo ông Hiếu chỉ có khoảng 50.000 doanh nghiệp được thành lập. Vậy tại sao Luật doanh nghiệp sau năm 1999-2000 lại có sự thay đổi đột phá quyền tự do kinh doanh?
Thứ nhất, ông Hiếu chỉ ra, năm 2000, Việt Nam có sự chuyển dịch mạnh mẽ về tư tưởng. Trước đây, doanh nghiệp chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, thì sau năm 2000 đã sửa thành: doanh nghiệp chỉ được làm những gì mà pháp luật không cấm.
Để thấy được dư địa cải cách mạnh mẽ như thế nào, ông Hiếu chỉ ra, trước năm 2000, phải mất 1-2 năm để thành lập một doanh nghiệp, trong khi đó Luật doanh nghiệp ra đời năm 2000 cho phép đăng ký trong vòng 15-30 ngày.
Tuy nhiên, tại thời điểm đó, World Bank thống kê thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam phải qua 11 thủ tục và mất 69 ngày, Việt Nam chưa được đưa vào xét xếp hạng. "Vấn đề quản trị công ty gần như là không có" - ông Hiếu nói.
Từ năm 2005-2014, Luật doanh nghiệp tiếp tục có những thay đổi quan trọng. Thời gian đăng ký doanh nghiệp tiếp tục được rút ngắn xuống còn khoảng 10 ngày. Thủ tục về khởi sự kinh doanh còn khoảng 50 ngày và xếp hạng thứ 97. Vấn đề quản trị công ty tiếp tục chỉ được nâng cấp rất nhỏ và xếp thứ... 170/170.
Từ năm 2014 trở đi, dư địa cải cách về gia nhập thị trường bắt đầu tới hạn, nhưng có cải cách rất quan trọng là mở rộng quyền tự do kinh doanh. Năm 2000, quyền tự do kinh doanh là chỉ được làm những gì pháp luật không cấm. Đến năm 2014 đã sửa thành: doanh nghiệp chỉ được làm những gì mà luật không cấm. Có nghĩa duy nhất chỉ có Quốc hội có quyền quy định việc cấm hay không cấm một hành vi kinh doanh.
Đến giai đoạn này, sứ mệnh cải cách môi trường kinh doanh bắt đầu được chuyển sang cho Luật đầu tư và bắt đầu có cải cách hơn. Ông Hiếu khẳng định: "Phải đến cách đây 6 năm mới có luật về quản trị công ty khi lần đầu tiên sau khi ban hành Luật doanh nghiệp, chúng ta tăng tới gần 90 bậc, vươn lên đứng thứ 87/170 quốc gia. Năm 2014, có rất nhiều luật về quản trị công ty đã được cập nhật với thông lệ quốc tế".
"Vậy Luật doanh nghiệp 2020 này, chúng ta sẽ làm gì?" - ông Hiếu đặt câu hỏi.
Theo ông, từ mở cửa thị trường, từ tự do kinh doanh, giờ đây, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp, phát triển bên vững mới là trọng tâm chính của luật. Luật doanh nghiệp năm 2020 sẽ bãi bỏ toàn bộ thủ tục hành chính về dấu, có nghĩa doanh nghiệp có thể quyết định bất kể vấn đề gì về dấu. Có thể sử dụng dấu thông thường hoặc dấu số đều được.
Thứ hai, lần đầu tiên, doanh nghiệp có thể hoàn toàn đăng ký kinh doanh trong môi trường số. "Còn hiện nay vẫn đang đăng ký kinh doanh "nửa thủ công, nửa hiện đại", có nghĩa là nộp hồ sơ qua mạng và khi lấy giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì mang bộ hồ sơ giấy đến. Có người gọi đấy là gấp đôi công sức" - ông Hiếu trình bày.
Về tác động của Luật doanh nghiệp đến gia nhập thị trường, cải cách năm 2000 giúp số lượng doanh nghiệp thành lập trong giai đoạn 2000-2005 tăng gấp 10 lần so với 10 năm trước đó. Tương tự như vậy, năm 2014, số lượng doanh nghiệp đạt 74.000 và đến gần đây là 130.000 một năm tức là đã tăng gấp đôi.
"Luật doanh nghiệp 2020 có thể làm tăng gấp đôi số lượng doanh nghiệp mới không? Tôi không kỳ vọng điều đó vì dư địa để đăng ký kinh doanh hiện nay chỉ còn 3 ngày, thực tế ghi nhận là 2 ngày. Giờ chúng ta có cải cách xuống 1 ngày thì cũng không phải là động lực để thành lập doanh nghiệp nữa" - ông Hiếu nói.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, tác động của Luật doanh nghiệp sắp tới vẫn sẽ mạnh mẽ vì có ưu điểm lớn. Quá trình khởi sự kinh doanh ở Việt Nam còn 8 thủ tục và 16 ngày. Với các cải cách như loại bỏ thủ tục về dấu, miễn thuế môn bài trong năm đầu tiên thành lập, và nghị định "một cửa" đang trình chính phủ về việc khi đăng ký doanh nghiệp thì thực hiện luôn đăng ký lao động và bảo hiểm nếu được Chính phủ ký thì thủ tục gia nhập thị trường của Việt Nam chỉ còn khoảng 6 ngày.
"Chính phủ đặt mục tiêu cho chúng tôi là phải làm thủ tục khởi sự kinh doanh tăng 30 hạng trên bảng xếp hạng của World Bank. Nhưng với những cải cách này, tôi tin rằng còn phải tăng nhiều hơn thế" - ông Hiếu khẳng định.