Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai (Giấy Tân Mai) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 với kết quả thua lỗ.
Tiếp tục thua lỗ trong năm 2018
Cụ thể, doanh thu thuần đạt được trong năm vừa qua ở mức 27,3 tỷ đồng, giảm 71% so với năm 2017. Lợi nhuận gộp thu về chỉ còn 11,1 tỷ đồng, giảm 76%.
Trong khi đó, riêng chi phí lãi vay trong năm đã chiếm 8,3 tỷ đồng, tuy giảm mạnh so với năm trước (30 tỷ đồng) tuy nhiên vẫn chiếm một cơ cấu khá lớn trong chi phí. Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng mạnh, ở mức 22,9 tỷ đồng, tương đương gấp 5 lần năm trước.
Cùng với đó, Tân Mai tiếp tục ghi nhận khoản lỗ trong công ty liên doanh liên kết (0,5 tỷ đồng) và hoạt động khác (4,9 tỷ đồng). Năm trước đó, hoạt động khác mang về lợi nhuận tới 430 tỷ đồng đã mang lại khoản lãi khủng cho Giấy Tân mai sau nhiều năm thua lỗ.
Kết quả, sau năm 2018, Tân Mai lỗ ròng 11,8 tỷ đồng.
Đáng lưu ý tại báo cáo này, lợi nhuận sau thuế năm 2017 được ghi nhận là 409,9 tỷ đồng. Trước đó, báo cáo tài chính kiểm toán của doanh nghiệp năm 2017 ghi nhận khoản lợi nhuận này ở mức 608,8 tỷ đồng, khoản lãi này ngay lập tức giúp Tân Mai xóa sạch lỗ lũy kế (lỗ lũy kế tính tới 2016 là 552,7 tỷ đồng). Như vậy, lợi nhuận của Tân Mai trong năm 2017 đã bị điều chỉnh hồi tố, lỗ lũy kế vẫn còn 280 tỷ đồng.
Khoản lỗ năm 2018 đã nâng tổng lỗ lũy kế của Tân Mai lên 292,4 tỷ đồng. Hiện vốn chủ sở hữu của công ty chỉ còn 628 tỷ đồng, giảm 2% trong năm, trong khi đó, nợ phải trả lên tới 7.232 tỷ đồng, tăng thêm 567 tỷ đồng.
Tính đến cuối 2018, Tân Mai có khoản phải trả ngắn hạn khác 569,8 tỷ đồng, vay và nợ thuế tài chính ngắn hạn 692,7 tỷ đồng. Ở khoản mục nợ dài hạn có hơn 2.477 tỷ đồng phải trả dài hạn và 3.165 tỷ đồng vay nợ thuế tài chính dài hạn.
Tài sản của Tân Mai đang nằm chủ yếu ở tài sản dài hạn với khoản mục tài sản dở dang dài hạn chiếm 6.396 tỷ đồng. Hàng tồn kho của doanh nghiệp cũng tăng 7% trong năm lên 889,5 tỷ đồng.
Những chủ nợ của Tân Mai
Tính đến 31/12/2018, Tân Mai có khoản 656 tỷ đồng tiền gốc vay và 501,1 tỷ đồng lãi vay quá hạn chưa thanh toán, trong đó khoản nợ quá hạn lớn nhất có chủ nợ là Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) với gốc vay hơn 500 tỷ và lãi vay hơn 400 tỷ đồng. BIDV và VietinBank cũng có khoản nợ vay quá hạn chưa được thanh toán tại đây với tổng gốc và lãi vay của hai ngân hàng này lần lượt là 48,6 tỷ đồng và 200 tỷ đồng.
Tân Mai vay vốn tại VDB khá nhiều tại các chi nhánh khác nhau (Chi nhánh Đồng Nai - Kon Tum - Đắk Lắk) với mức vay dài hạn hơn 500,6 tỷ. Tuy nhiên Vietinbank mới là chủ nợ lớn nhất khi cho Tân Mai vay dài hạn hơn 3.284 tỷ đồng.
Ngoài ra, Tân Mai còn có hơn 532,3 tỷ lãi vay ngân hàng và lãi chậm trả tiền hàng trong các khoản phải trả ngắn hạn và 2.080 tỷ đồng phải trả lãi vay trong khoản mục phải trả dài hạn khác.