Khi mà các số liệu kinh tế Nhật phát đi tín hiệu về khả năng suy thoái, giới chuyên gia phân tích đang chia rẽ quan điểm về tình trạng của nền kinh tế. Kinh tế khó khăn hơn đang gây sức ép lên thị trường lao động trong bối cảnh xuất khẩu suy giảm và ngành sản xuất khó khăn hơn.
Theo Nikkei, chỉ số điều kiện kinh doanh hàng tháng của tháng 1/2019 rơi xuống mức có thể sẽ đối diện với bước ngoặt, theo số liệu từ chính phủ Nhật công bố ngày thứ Năm.
Thế nhưng sự đi xuống này có thể phản ánh sự suy giảm của ngành sản xuất có nguyên nhân trực tiếp từ việc xuất khẩu sụt giảm. 4 trong 9 chỉ số phụ dùng để tính toán điều kiện kinh doanh đều có liên quan đến ngành sản xuất.
Trong tháng 2/2019, chỉ số của ngành sản xuất công nghiệp giảm so với tháng trước đó và có tháng giảm thứ 3 liên tiếp. Xuất khẩu tháng 2/2019 giảm 8,4%, xu thế này nhiều khả năng liên quan đến việc kinh tế Trung Quốc chững lại.
Tuy nhiên, số liệu GDP thực của kinh tế Nhật công bố ngày thứ Sáu cho thấy kinh tế quý 4/2018 tăng trưởng được 1,9% so với quý trước đó, mức tăng trưởng như vậy cải thiện đáng kể so với con số 1,4% theo công bố ban đầu.
Điều kiện trên thị trường lao động hiện nay vốn khá ngặt nghèo, cứ 1,63 việc làm mới có 1 người làm việc. Doanh nghiệp đang nâng lương để thu hút người lao động. Tiêu dùng người dân tháng 1/2019 tăng trưởng 2%.
Giới chuyên gia phân tích đang đưa ra nhiều nhận định khác nhau về những con số này. Ông Yuji Shimanaka tại công ty chứng khoán Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities khẳng định rằng dù kinh tế Trung Quốc phát đi nhiều dấu hiệu đã lập đáy, không nên nghĩ rằng kinh tế Nhật sẽ suy thoái.
Việc đánh giá được tình trạng thực của nền kinh tế không đơn giản với chính quyền của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Chính quyền chắc chắn sẽ đối diện với không ít áp lực khi thuế tiêu dùng được điều chỉnh tăng lên mức 10% trong tháng 10/2019 từ mức 8% hiện nay.
Triển vọng kinh tế tăng trưởng yếu đi sẽ khiến cho chính phủ phải cân nhắc đưa ra biện pháp kích cầu và chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật chắc chắn bị ảnh hưởng tiêu cực.