Giá đất liên tục phá đỉnh
Mấy năm trở lại đây, thị trường nhà đất tại các huyện ven trung tâm Hà Nội liên tục ghi nhận những đợt "sốt nóng" bởi thông tin quy hoạch phát triển hạ tầng để đưa huyện trở thành đơn vị hành chính cấp quận. Thực trạng này đã khiến giá đất liên tục tăng, xác lập mặt bằng giá mới.
Đơn cử, tại huyện Đông Anh, trong đợt "sốt" cuối quý I/2021 khi có thông tin quy hoạch đô thị ven sông Hồng, giá nhà đất tại một số khu vực xã: Kim Chung, Xuân Canh, Vĩnh Ngọc, Hải Bối tăng 2 lần so với thời điểm cuối năm trước đó. Tiếp đà tăng giá trên, đến hết quý I năm nay, thị trường nhà đất khu vực này lại ghi nhận tăng thêm 20 - 30% so với thời điểm cách đây 1 năm.
Cụ thể, tại xã Kim Chung, những tháng cuối năm ngoái giá đất là 30 triệu đồng/m2, nay đã tăng lên 35 - 40 triệu đồng/m2; xã Cổ Loa tăng 25% từ 28 triệu đồng/m2 lên 35 triệu đồng/m2; xã Đông Hội tăng 26% lên xấp xỉ 40 triệu đồng/m2... Tuy nhiên, từ đầu quý II năm nay đến nay, thị trường nhà đất ở những khu vực này ít được giao dịch và rơi cảnh trầm lắng.
Khảo sát tại một số kênh rao bán nhà đất, nếu như vào thời điểm đỉnh "sốt đất" hồi cuối tháng 3/2021, đất nền dự án trên địa bàn huyện Đông Anh giá trung bình 50 - 80 triệu đồng/m2, đến nay vẫn được giữ nguyên nhưng gần như không có giao dịch.
Tương tự, đất trong khu dân cư giai đoạn "sốt" giá 40 - 100 triệu đồng/m2, cá biệt khu vực gần với đường lớn gần tuyến Nhật Tân - Nội Bài hay cạnh quốc lộ 23B lên tới 150 triệu đồng/m2, nay đã giảm khoảng 5 - 10% nhưng lượng giao dịch cũng không nhiều.
Tương tự, cuối năm 2018, giá đất tại Thạch Thất chỉ dao động khoảng 5 - 7 triệu đồng/m2, thì nay trải qua nhiều cơn sốt mạnh giá đã chạm ngưỡng 24 triệu đồng/m2. Khu vực này cũng là điểm nóng của việc phân lô tách thửa trong thời gian qua tại vùng ven Hà Nội.
Trước kia, khu vực này rất nhiều nhà đầu tư "tay to" tìm về mua những mảnh đất có diện tích lớn. Sau đó, tách thửa thành từng lô có diện tích từ 60 - 100m2 bán cho những nhà đầu tư có vốn mỏng, ít kinh nghiệm.
Theo anh Nguyễn Hiếu, môi giới tại khu vực cho biết, từ đầu năm 2022, giá đất đã đứng im, thậm chí, một số trường hợp đã bắt đầu rao bán cắt lỗ nhưng cũng không bán được. Tình hình thanh khoản tại khu vực này thời gian qua cũng không cao.
Nhà đầu tư không dám xuống tiền
Thời điểm hiện tại, thị trường nhà đất tại địa bàn huyện ven trung tâm Hà Nội đang rơi vào tình trạng ảm đạm.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, những điểm nóng đất nền ven Hà Nội như Thạch Thất, Quốc Oai, Đông Anh, Gia Lâm đều rơi vào thực trạng đất nền có mức độ quan tâm giảm nhưng mặt bằng giá rao bán vẫn tiếp tục tăng. Đơn cử, đất nền Đông Anh giá tăng 31% nhưng mức độ quan tâm giảm 29%. Giá chào bán đất nền Gia Lâm tăng 27% nhưng mức độ quan tâm giảm 20%.
Một số nhà đầu tư nhỏ lẻ đã hết kiên nhẫn và không còn kỳ vọng vào việc tăng giá đột biến ở thời điểm này nên đang đẩy mạnh các kênh marketing để rao bán hàng nhằm thu hồi lại vốn, nhưng thực tế giá rao cũng không thấp hơn nhiều so với thời điểm đỉnh "sốt" vì vậy rất ít giao dịch được thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - cho rằng không khó để lý giải về tình trạng trên, vì thực tế không chỉ riêng huyện Đông Anh mà một số huyện ngoại thành của Hà Nội được quy hoạch thành quận thời gian qua cũng chứng kiến tình trạng "sốt đất" khi có thông tin quy hoạch hạ tầng.
Theo ông Đính, những đợt "sốt nóng" đã đẩy giá đất ở lên cao hơn rất nhiều giá trị thực và mặt bằng chung, nên thời điểm hiện tại nhà đầu tư không dám bỏ tiền vào nữa. Người dân có nhu cầu để ở cũng không đủ khả năng mua, nên thị trường không có giao dịch.