Các nhà đầu tư và nhà phân tích đã yêu cầu ngân hàng Thuỵ Sĩ thúc đẩy quá trình tiết kiệm chi phí và tìm kiếm nguồn vốn đầu tư mới để trấn an thị trường. Ngân hàng 166 năm tuổi này là một trong những ngân hàng có dòng vốn mạnh nhất châu Âu, nhưng có thể vẫn cần phải huy động hàng tỷ USD từ phát hành cổ phiếu mới nhằm tài trợ cho kế hoạch tái cơ cấu và chi phí pháp lý tăng cao.
Ngân hàng đầu tư - mảng kinh doanh cốt lõi của Credit Suisse, cũng phải đối mặt với một trong những giai đoạn khó khăn nhất kể từ đầu đại dịch, do thực hiện ít thương vụ giao dịch và gọi vốn doanh nghiệp.
Giá trị vốn hóa "rơi tự do"
Cuối tuần qua, nhà băng Thuỵ Sĩ đã trở thành chủ đề được giới tài chính toàn cầu chú ý, được thảo luận trên các diễn đàn ở Twitter và Reddit. Nhiều người suy đoán rằng ngân hàng này sắp phá sản. Credit Suisse đã phải trấn an nhà đầu tư và khách hàng, thông báo rằng công ty vẫn hoạt động hiệu quả và đang đưa mảng bán tài sản vào kế hoạch kinh doanh mới.
Cổ phiếu Credit Suisse giảm tới 11% ở phiên 3/10, nhưng hồi phục vào cuối ngày và kết thúc phiên giảm chưa đến 1%. Tuy nhiên, cổ phiếu ngân hàng này đã giảm mạnh trong năm nay và vốn hoá 10,6 tỷ USD thấp hơn 1 nửa so với hồi tháng 2. Trong khi đó, giá trị của một trong những trái phiếu rủi ro nhất của Credit Suisse - có thể bị huỷ bỏ hoặc chuyển đổi thành cổ phiếu nếu một ngân hàng gặp khó khăn, đã giảm xuống còn 77 cent từ 86 cent vào thứ Sáu.
Cổ phiếu Credit Suisse.
Hôm 3/10, chi phí bảo hiểm phá sản cho các khoản nợ - CDS kỳ hạn 5 năm, của Credit Suisse tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm. Theo S&P Global Market Intelligence, các nhà đầu tư phải trả 335 euro/10.000 euro tài sản đã mua, từ mức 250 USD vào hôm thứ Sáu. Giá hợp đồng bảo hiểm tín dụng 1 năm lên tới 483 euro - cho thấy nhà đầu tư dự đoán khả năng vỡ nợ sớm xảy ra.
Filippo Alloatti - trưởng bộ phận tài chính tín dụng của công ty quản lý đầu tư Federated Hermes, cho biết: “Credit Suisse có thanh khoản khá tốt và tình hình dòng vốn cũng mạnh. Điều duy nhất gây ra sự náo loạn trong một ngày cuối tuần đó là áp lực tăng vốn.”
Ông nhận định, nhà đầu tư trên các trang mạng xã hội dường như đang cố gắng “thổi bùng” lên một đợt rút tiền ồ ạt và Credit Suisse có thể cần thực hiện một thương vụ trong vài ngày tới hoặc tuần này.
Vấn đề của Credit Suisse xảy ra ở đúng thời điểm thị trường tài chính gặp nhiều khó khăn. Lợi suất trái phiếu chính phủ Anh đã tăng vọt, khiến BOE phải can thiệp thị trường để “giải cứu” các quỹ hưu trí lớn nhất nước này. Từ đó làm dấy lên mối lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn khác trong hệ thống tài chính.
Tháng 7, Credit Suisse cho biết họ sẽ tái cơ cấu ngân hàng đầu tư và cắt giảm một số bộ phận kinh doanh để bộ máy tinh gọn, ít rủi ro hơn, sau vụ sụp đổ của quỹ Archegos gây thiệt hại 5,1 tỷ USD. Nhà cho vay này có một chi nhánh ở Thuỵ Sĩ phục vụ tất cả các tệp khách hàng và cạnh tranh trên toàn cầu trong lĩnh vực quản lý tài sản, ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản cho người giàu.
"Phản ứng của thị trường bị phóng đại"
Thomas Hallett - nhà phân tích ngành ngân hàng tại Stifel Financial Corp., nhận định: “Credit Suisse phải chấp nhận những rủi ro về vốn. Họ cần một kế hoạch kinh doanh hiệu quả, kế hoạch tái cấu trúc bền vững để xoa dịu thị trường. Phản ứng của thị trường vừa qua dường như đã bị phóng đại.”
Tính đến cuối tháng 6, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của Credit Suisse là 13,5%. Song, giá cổ phiếu sụt giảm đồng nghĩa với việc phát hành cổ phiếu mới sẽ khiến giá trị cổ phiếu hiện có lại lao dốc. Việc tăng vốn sẽ thể hiện được vị thế vững chắc của Credit Suisse nhưng thường được coi là phương sách cuối cùng vì nhà đầu tư sẽ chịu ảnh hưởng lớn, kể cả những nhân viên nhận thưởng theo cổ phiếu.
Nếu “đánh mất” niềm tin của thị trường, Credit Suisse sẽ gặp rủi ro khi các đối tác rút tiền gửi và các hình thức gọi vốn khác. Vào tháng 8, Moody’s Investors Service đã hạ xếp hạng tín dụng của ngân hàng này xuống Baa2.
Tỷ lệ vốn tự có của Credit Suisse theo quý.
Trường hợp gần đây nhất phải đối diện với giai đoạn thay đổi lớn đó là Deutsche Bank vào cuối năm 2016. Khi đó, trái phiếu rủi ro của ngân hàng này cũng bị bán tháo và nhiều người đặt câu hỏi liệu Deutsche Bank có phá sản không. Ngân hàng đã huy động được 8,5 tỷ USD vốn vào đầu năm 2017 và thực hiện một loạt các đợt tái cấu trúc căng thẳng trước khi ổn định trở lại.
Hôm 3/10, các nhà phân tích của Citigroup cho biết giá trái phiếu của Credit Suisse giảm cho thấy chi phí huy động vốn có thể tăng khoảng 300 triệu USD/năm, Nhưng theo quan điểm của họ, việc tăng vốn không phải là điều Credit Suisse bắt buộc phải làm và ngân hàng này có thể huy động vốn để tái cấu trúc thông qua bán bớt hoặc cắt giảm các bộ phận kinh doanh.
Nói về những lời đồn thổi về việc các vấn đề của Credit Suisse báo hiệu cho một cuộc khủng hoảng lớn, Citi cho biết: “Đây không phải năm 2008.”
Ngành ngân hàng trên khắp châu Âu đang đối diện với triển vọng tiêu cực hơn. Các cơ quan quản lý ngành của EU cũng cảnh báo hệ thống tài chính có thể gặp khó khăn do các hộ gia đình và doanh nghiệp khó trả nợ do kinh tế suy thoái. Song, Credit Suisse lại không gặp phải những vấn đề này, vì người dân Thuỵ Sĩ giàu hơn và nền kinh tế cũng linh hoạt hơn so với các nước EU. Nhiều khách hàng giàu có của Credit Suisse cũng ở châu Á hoặc Trung Đông.
Tham khảo WSJ