Chứng khoán châu Âu mất 20% giá trị. Chênh lệch trái phiếu rác ngày càng ở mức rộng kể từ cuộc khủng hoảng năm 2020. Trong khi đó, đồng euro cũng rớt giá. Nhiều chuyên gia dự đoán diễn biến của thị trường tài chính sẽ đáng lo ngại hơn nếu Nga cắt toàn bộ nguồn cung khí đốt cho châu Âu.
Ở thời điểm hiện tại, dòng chảy khí đốt chính từ Nga sang châu Âu đang tạm ngừng để bảo trì trong 10 ngày. Nhiều người lo ngại rằng Nga sẽ khóa van sau thời gian trên và không chắc sẽ mở van trở lại. Một số nhà đầu tư đang đặt ra câu hỏi: Liệu mọi thứ sẽ còn tồi tệ đến mức nào?
Để trả lời câu hỏi trên, các chiến lược gia trên khắp Phố Wall đã nỗ lực đưa ra những con số về viễn cảnh u tối trong thời bình. Theo giới chuyên gia, tình huống này có rất nhiều biến số, chẳng hạn như thời gian đường ống ngừng hoạt động, mức độ cắt giảm nguồn cung ra sao và các quốc gia sẽ làm gì để giảm khối lượng sử dụng năng lượng. Cho đến hiện đại, mọi câu trả lời đều chỉ là phỏng đoán.
Joachim Klement – trưởng nhóm chiến lược, kế toán và bền vững tại Libertum Capital, cho biết: "Ẩn số lớn nhất là cú sốc bắt đầu ở Đức, Ba Lan và các quốc gia Trung Âu khác sẽ ảnh hưởng như thế nào đến phần còn lại của châu lục và thế giới. Đơn giản là, không có nguồn cung nào sẵn sàng để thay thế cho khí đốt của Nga."
Giá điện tại Đức tăng phi mã.
Trong một phân tích công bố vào tuần này, các nhà kinh tế của UBS Group đã dự báo về viễn cảnh nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu. Theo đó, lợi nhuận doanh nghiệp sẽ giảm hơn 15%. Đà bán tháo của thị trường cũng khiến Stoxx 600 mất hơn 20% và đồng euro sẽ rơi xuống mức 90 cent. Theo UBS, việc nhà đầu tư đổ xô đến các hầm trú ẩn sẽ khiến lợi suất trái phiếu của Đức về mức 0%.
Arend Kapteyn – nhà kinh tế trưởng tại UBS, cho hay: "Chúng tôi nhấn mạnh rằng những dự báo này nên được coi là ước tính gần đúng, chứ không phải là kịch bản tồi tệ hơn."
Hiện tại, thị trường chứng khoán châu Âu đã thể hiện sự lo ngại về viễn cảnh trên. Đồng euro đang ở mức thấp nhất trong 2 thập kỷ và gần như ngang giá USD. Chứng khoán Đức giảm 11% kể từ tháng 6. Hãng khí đốt khổng lồ của Đức – Uniper, là doanh nghiệp chịu thiệt hại lớn khi cổ phiếu giảm tới 80% trong năm nay và phải kêu gọi biện pháp cứu trợ từ chính phủ.
Nhiều nhà đầu tư cho biết có thể Nga sẽ mở van khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 sau quá trình bảo dưỡng kết thúc vào ngày 21/7. Song, như UBS chỉ ra, nếu các quốc gia EU đã bắt đầu cắt giảm khối lượng sử dụng khí đốt để thúc đẩy kho dự trữ, điều này sẽ có tác động rất nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế.
Charles-Henry Monchau – CIO của Banque Syz, nhận định: "Châu Âu đang bị cuốn vào vòng luẩn quẩn". Giá năng lượng tăng đang gây tổn hại cho nền kinh tế khu vực này, khiến đồng euro rớt giá. Trong khi đó, đồng euro suy yếu cũng khiến việc nhập khẩu năng lượng thậm chí còn đắt đỏ hơn.
Tỷ giá EUR/USD.
Prashant Agarwal – giám đốc danh mục đầu tư tại Pictet Asset Management, cho biết mối lo ngại của ông là các NHTW sẽ không thể làm gì để hỗ trợ một nền kinh tế vốn đã chứng kiến lạm phát ở mức cao trong nhiều thập kỷ. Ông nói: "Tôi không chắc các công cụ của NHTW sẽ hiệu quả trong trường hợp này. Trước đây, họ có thể giải quyết tình hình như vậy vì lạm phát ở mức thấp."
Theo các chiến lược gia của BNP Paribas, tình trạng gián đoạn của dòng chảy khí đốt sẽ khiến Euro Stoxx 50 giảm xuống còn 2.800 điểm, tức là thấp hơn khoảng 20% so với hiện tại.
Trong khi đó, chiến lược gia tiền tệ Jordan Rochester của Nomura International đã khuyến nghị khách hàng nên bán khống đồng euro kể từ tháng 4. Nếu Nord Stream 1 không được nối lại hoạt động, đồng euro có thể giảm xuống 90 cent trong mùa đông.
Bank of America dù lạc quan với giá đồng, nhưng đã hạ dự báo vào tuần trước. Ngân hàng này cảnh báo, trong trường hợp tồi tệ nhất là châu Âu thiếu khí đốt trên diện rộng, giá đồng có thể giảm xuống mức thấp nhất là 4.500 USD/tấn, khi giao dịch ở mức 7.429 USD vào ngày 12/7.
Tham khảo Bloomberg