NHNN đang lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán. Dự thảo quy định cụ thể về việc sử dụng Ví điện tử, hạn mức giao dịch đối với Ví điện tử của cá nhân và tổ chức. Với các nội dung mới được đưa ra, như quy định hồ sơ mở ví điện tử, giới hạn giao dịch dưới 100 triệu/tháng đối với ví cá nhân,....; nhiều tranh cãi đã nổ ra xung quanh Dự thảo mới của NHNN.
Tại Hội thảo lấy ý kiến thông tư về dịch vụ trung gian thanh toán sáng 10/5, Ông Cấn Văn Lực cho rằng cần phải xem xu hướng thanh toán điện tử đang diễn ra như thế nào trên thế giới để biết Việt Nam mình ở đâu và nên phát triển như thế nào.
"Trong khối ASEAN, Việt Nam thuộc nhóm trung bình về tốc độ thanh toán điện tử, về cả số tiền lẫn giao dịch thanh toán. Tuy nhiên, thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn lớn", ông nói.
Vị chuyên gia này dẫn số liệu cho biết, thanh toán không tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán khoảng 11,6%, có giảm so với thời kỳ trước đây nhưng mức độ giảm còn khá chậm. Ngoài ra, lượng tiền mặt/ GDP của chúng ta lại có xu hướng tăng lên, khoảng 19% năm 2017 và so với quốc tế là còn rất lớn. Thanh toán điện tử tại Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng trong vài năm vừa qua, NHNN cũng rất tích cực thúc đẩy điều này. Tuy nhiên, còn rất nhiều rào cản để có sự bứt phá.
Ông Lực chỉ ra 5 rào cản chính. Thứ nhất là thói quen dùng tiền mặt của người dân. Thứ hai là độ bao phủ của dịch vụ ngân hàng còn thấp. Thứ ba là chưa tạo được sự tin tưởng của người tiêu dùng. Thứ tư là khu vực kinh tế phi chính thức còn lớn. Thứ năm là hành lang pháp lý chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện và thiếu đồng bộ.
"Việc sửa đổi là cần thiết để khuyến khích, quản lý ví điện tử. Tuy nhiên, cần rà soát và xem xét một số điểm tại Dự thảo", ông nói.
Ông cho rằng quy định tại Điều 8 của Dự thảo, trong đó quy định Ngân hàng hợp tác là đơn vị chịu trách nhiệm cuối cùng đối với việc đảm bảo khả năng thanh toán cho các đơn vị chấp nhận thanh toán là chưa hợp lý. Ngân hàng không thể có công cụ kiểm soát, giám sát để kiểm tra đối ứng với TKĐBTT đối với khoản tiền đơn vị cung ứng dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ thực tế đã thu hộ, chi hộ cho khách hàng (nên là các trung gian thanh toán). Còn ngân hàng có trách nhiệm giám sát các TKĐBTT mở tại các ngân hàng hợp tác cũng như tính hợp pháp, hợp lệ của các giao dịch thu, chi hộ của các đơn vị trung gian thanh toán tại ngân hàng.
Ngoài ra, theo ông Lực, Nghị quyết 02 có đề cập giao NHNN báo cáo phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng. Tuy nhiên Điều 9 của Dự thảo chưa thể hiện điều này.
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, quy định tổng hạn mức giao dịch của một Ví điện tử tối đa là 100 triệu đồng/tháng, trong khi tối đa là 20 triệu đồng/ngày là cần xem lại. "Nếu chủ ví cần dùng nhiều hơn 5 ngày trong 1 tháng thì sao? Phải chăng nên cân nhắc mức đối đa 1 tháng lớn hơn. Thu nhập bình quân đầu người của chúng ta tăng lên nhanh chóng, tiêu dùng ngày càng nhiều. Tôi nghĩ nên cân nhắc mức lớn hơn, như 150 triệu hay 200 triệu chẳng hạn", ông Lực nói.
Ông Cấn Văn Lực cũng bày tỏ băn khoăn về khái niệm liên kết ví điện tử với tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng được quy định tại Dự thảo. Liên kết ví điện tử với tài khoản ngân hàng sẽ thực hiện như thế nào? Nhất là khâu nạp tiền, chuyển tiền.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết, tại Thông tư sửa đổi lần này sẽ chỉ đề cập đến Ví điện tử liên kết với tài khoản ngân hàng. "Còn Ví điện tử không có tài khoản ngân hàng thì NHNN sẽ trình Chính phủ và thực hiện thí điểm", ông Dũng cho biết.
Đối với hạn mức giao dịch của ví điện tử, ông cho biết cơ quan quản lý sẽ xem xét để có mức phù hợp nhất. Trước đó, ông Dũng cho rằng không nên quá lo lắng về mốc 100 triệu đồng/tháng, hạn mức này cũng đã được NHNN nghiên cứu và có căn cứ quan sát thực tiễn giao dịch ở các ví điện tử hiện nay, cũng như tham khảo ở các nước khác trên thế giới. Đối với đề xuất bỏ hạn mức giao dịch đối với ví điện tử của doanh nghiệp, ông Dũng cho biết có thể cởi mở hơn.
Vị lãnh đạo Vụ Thanh toán cũng lưu ý khi nhiều ý kiến cho rằng quy định sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp trung gian thanh toán, "Chúng ta đang nói đến quá nhiều về bùng nổ, về phát triển nhưng cũng không được quên đi tính an toàn. Chúng ta nắm giữ tiền của hàng triệu người, nếu hệ thống tắt một cái thì dân sẽ đòi ai. Tiền của người dân phải luôn được đảm bảo", ông nói.