Một khảo sát nội bộ, tập trung tham khảo ý kiến của các chuyên gia nghiên cứu và phân tích tại các ngân hàng thương mại Việt Nam thực hiện gần đây cho thấy, bên cạnh những yếu tố trong nước, có 5 điểm nóng bên ngoài được chú ý trong năm 2020.
5 điểm nóng này gồm: cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc; Brexit; vấn đề địa chính trị tại Trung Đông; bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020; triển vọng kinh tế Mỹ và Trung Quốc.
Trong đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc cùng triển vọng của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này được giới nghiên cứu và phân tích tại các ngân hàng thương mại Việt Nam nhận định sẽ có tác động lớn nhất đến thị trường tài chính - tiền tệ Việt Nam năm tới.
Đó cũng là thực tế đã và đang thể hiện tác động nổi bật trong năm 2019.
Cuộc chiến thương mại giữa hai quốc gia nói trên tác động đến các dòng chảy đầu tư, tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cung - cầu thương mại trên các thị trường, biến động của lãi suất và tỷ giá giữa các đồng tiền… Kinh tế nói chung và thị trường tài chính - tiền tệ Việt Nam nằm trong những ảnh hưởng đó.
Vấn đề địa chính trị tại Trung Đông và Brexit trong khảo sát trên được cho có mức độ tác động không mạnh tới Việt Nam.
Tuy nhiên, riêng với Brexit, mối liên hệ được chú ý hơn ở biến động của các đồng tiền mạnh trên thế giới, trong đó có đồng bảng Anh, cùng với triển vọng quan hệ thương mại sau khi Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu - EU (EVFTA).
Trong khi đó, bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 được cho là điểm nóng được quan tâm hơn, và dự kiến sẽ có tác động mạnh trong so sánh với các yếu tố trên.
Cuối năm 2016, thị trường toàn cầu và cả Việt Nam cũng đã chứng kiến kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump giành thắng lợi, đã khiến các điểm nhạy cảm như chứng khoán, tỷ giá, vàng… biến động mạnh như thế nào, thậm chí “chao đảo” là từ được dùng để phản ánh khi đó.
Năm 2020, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ tiếp tục là điểm nóng, với hai tình huống: ông Donald Trump tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai hoặc không. Cả hai tình huống đều tiềm ẩn những thay đổi hoặc củng cố các quan điểm chính sách, đặc biệt về thương mại, không chỉ riêng nước Mỹ mà có ảnh hưởng toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh 5 điểm nóng trên, các yếu tố nội tại trong nước theo kết quả khảo sát các ý kiến trên cho thấy, sự phát triển của kinh tế tư nhân được đánh giá là động lực lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam, bên cạnh tầm quan trọng và ảnh hưởng của việc điều hành chính sách tiền tệ.
Dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng được đánh giá là động lực tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy kinh tế Việt Nam trong năm 2020. Trong khi đó, giải ngân đầu tư công vẫn không được kỳ vọng nhiều ở tiến độ để tạo động lực mạnh cho nền kinh tế.
Có hai yếu tố cũng được quan tâm trong năm tới là căng thẳng địa chính trị trên biển Đông với Trung Quốc, Mỹ gia tăng các chính sách gây áp lực với Việt Nam. Hai yếu tố này được nhận diện ở khía cạnh cản trở đối với phát triển kinh tế, nhưng mức độ tác động có thể không lớn.