Theo kế hoạch được ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Elizabeth Warren công bố hồi tháng 1, cá nhân sở hữu khối tài sản ròng trên 50 triệu USD sẽ bị đánh thuế 2%. Những ai sở hữu ít nhất 1 tỷ USD sẽ chịu thuế 3%.
Cơ quan truyền thông phục vụ chiến dịch tranh cử của ứng viên đảng Dân chủ bang Massachusetts này cho biết kế hoạch đánh thuế nhằm cải thiện thực trạng bất bình đẳng thu nhập. Kế hoạch sẽ tác động mạnh lên gần 0,1% tổng dân số Mỹ, tương đương gần 75.000 hộ gia đình.
Thống kê do hai nhà kinh tế học hàng đầu thuộc Đại học California, thành phố Berkeley, bang California, những người trực tiếp hỗ trợ bà Warren xây dựng dự luật thuế, cho thấy tổng tài sản của 15 người giàu nhất Mỹ có thể giảm gần một nửa, xuống chỉ còn khoảng 433,9 tỷ USD, nếu như kế hoạch này của bà có hiệu lực từ năm 1982.
Hiện tại, những người giàu nhất Mỹ đang nắm trong tay khối tài sản khoảng 942,5 tỷ USD.
Ứng viên đảng Dân chủ bang Massachusetts Elizabeth Warren. Ảnh: Reuters.
Thống kê của hai nhà kinh tế học người Pháp nổi tiếng Emmanuel Saez và Gabriel Zucman cho thấy khối tài sản của CEO Amazon Jeff Bezos (trước khi ông ly dị vợ) có thể giảm từ 160 tỷ USD xuống còn 86,8 tỷ USD. Trong khi đó, khối tài sản 97 tỷ USD của tỷ phú Bill Gate cũng sẽ giảm xuống còn 36,4 tỷ USD.Những chỉ trích về tính pháp lý của kế hoạch đánh thuế tài sản này tại Mỹ đã xuất hiện. Khi Warren công bố kế hoạch, bà cũng đã có sự chuẩn bị kỹ càng cho những cáo buộc có thể vấp phải như vi hiến. Bà đã công khai hai lá thư từ những nhóm chuyên gia pháp lý nổi tiếng, kết luận kế hoạch này hoàn toàn đầy đủ cơ sở.
Chủ tịch Berkshire Hathaway Warren Buffett, nhà sáng lập mạng xã hội Facebook Mark Zuckerberg, ông chủ Oracle Larry Ellison, nhà sáng lập Google Larry Page, anh em nhà Koch gồm Charles và David, Michael Bloomberg và những người thừa kế đế chế Walmart đều được đề cập đến trong bản thống kê này.
Thuế tài sản là điều chưa từng có tiền lệ tại Mỹ. Trên thực tế, hệ thống luật về thuế tại Mỹ không có nhiều thay đổi trong vài thập kỷ gần đây. 3 loại thuế truyền thống, bao gồm thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế bất động sản đã bộc lộ những điểm bất cập. Ví dụ, thuế thu nhập liên bang đã giảm mạnh, từ hơn 70% trong khoảng thời gian 1936 - 1980, xuống còn 39% trong năm 2019.
“Kết quả là nếu như chúng ta kết hợp các loại thuế trên mọi cấp độ cơ quan chính phủ, hệ thống thuế tại Mỹ hiện hầu như đánh một mức thuế giống nhau trên mọi đối tượng người dân, không phân biệt thu nhập của họ”, các nhà kinh tế học cho biết.
“Tất cả các nhóm dân cư đang phải đóng mức thuế xấp xỉ với mức thuế trung bình của nền kinh tế là 28%, trong khi đó, những người giàu có thuộc nhóm 0,1% dân số chỉ phải chịu mức thuế cao hơn không đáng kể. Đáng chú ý hơn, những người giàu có nhất lại được hưởng mức thuế suất thấp hơn, khi 400 người giàu nhất Mỹ chỉ phải chịu thuế 23%”.