Chỉ vài ngày sau khi OPEC+ đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng dầu trong một nỗ lực lớn nhằm hỗ trợ giá dầu trong bối cảnh thị trường này đang trong cuộc khủng hoảng thừa cung nghiêm trọng bởi COVID-19 khiến nhu cầu giảm sâu, các nhà phân tích bắt đầu hoài nghi những "tính toán" của họ.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng với Nga và một số quốc gia khác (OPEC+) đã hợp tác cùng một số nước sản xuất dầu lớn khác nữa để cắt giảm khoảng 20 triệu thùng/dầu cung cấp mỗi ngày. Con số đó tương đương khoảng 20% nhu cầu dầu toàn cầu trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Đây là một "bước tiến" chưa từng có vì mục đích đảo ngược xu hướng giá dầu giảm mạnh trong quý I/2020 (xuống mức thấp nhất 18 năm vào tháng 3/2020).
Tuy nhiên, "Cho dù OPEC có cố gắng đến đâu để thuyết phục thị trường tin vào sức mạnh và quyết tâm của họ thì cho đến nay họ vẫn chưa thành công", chuyên gia phân tích về dầu mỏ của Commerzbank, ông Eugen Weinberg khẳng định. Ông Weinberg còn thêm rằng: "Mọi người phải hiểu rằng điều đó là không thể, dù về mặt kỹ thuật hay toán học".
Trong thỏa thuận đạt được hôm 12/4 vừa qua, OPEC+ đã đồng ý cắt giảm 9,7 triệu thùng/ngày trong sản lượng của mình, thời gian thực hiện là tháng 5 và 6/2020. Phần cắt giảm còn lại thuộc trách nhiệm của Mỹ, Canada và các nước khác – nội dung này không được nêu cụ thể vì còn phụ thuộc vào giá cả và thời gian.
"Nhiều người dự đoán, thỏa thuận cắt giảm nhiều chưa từng có này sẽ khiến giá dầu tăng lên. Nhưng điều đó đã không xảy ra", ngân hàng ABN Amro viết trong một bài phân tích. Thực tế là giá dầu hầu như không biến động ngay sau khi OPEC tuyên bố thỏa thuận, và vẫn có xu hướng giảm từ đó đến nay. Theo ABN Amro , thị trường đã xác định được giá trị của thỏa thuận này sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi đầu tháng 4 nói ra những điều ông dự đoán.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia nói rằng mức cắt giảm thực tế sẽ lên tới 19,5 triệu thùng/ngày, sau khi các nước sản xuất dầu thuộc nhóm G7 thực hiện cam kết cắt giảm 3,7 triệu thùng/ngày và mua khoảng 200 triệu thùng đưa vào kho dự trữ trong 2 tháng tới.
Nhưng Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA – Cơ quan giám sát về năng lượng của các nền kinh tế công nghiệp hóa) không hề đề cập đến kế hoạch nào như vậy trong báo cáo công bố ngày 15/5, mà chỉ nói rằng "vẫn đang chờ để biết thêm chi tiết về một số kế hoạch cắt giảm sản lượng cũng như đề xuất sử dụng kho dự trữ chiến lược".
Theo IEA, đưa dầu vào kho dự trữ chiến lược có thể tương đương với việc rút khoảng 2 triệu thùng nguồn cung/ngày ra khỏi thị trường. Tuy nhiên, con số đó vẫn còn rất xa so với mức giảm 20 triệu thùng/ngày như OPEC nói
Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tuyên bố có thể sẽ mua dầu để bổ sung vào kho dự trữ. Ấn Độ cũng có kế hoạch làm đầy các kho dự trữ xăng chiến lược vào tuần thứ 3 của tháng 5 với khối lượng khoảng 19 triệu t hùng.
Trong khi đó tại Texas (Mỹ), các cuộc đàm phán kéo dài giữa các cơ quan quản lý năng lượng và các giám đốc điều hành của các hãng khai thác dầu hàng đầu khu vực này đến nay vẫn chưa đi đến kết quả nào liên quan đến nội dung cắt giảm sản lượng dầu đi 1 triệu thùng mỗi ngày.
Theo thông tin tổng hợp của Reuters, kế hoạch của OPEC+ thậm chí cho thấy là sản lượng dầu trên toàn cầu sẽ giảm hơn 20 triệu thùng/ngày, nhưng trong đó tính tới cả việc cắt giảm sản lượng một cách bắt buộc ở các nước Iran, Libya và Venezuela – những nước này thuộc OPEC và đã được miễn việc cắt giảm do đã bị Mỹ trừng phạt hoặc do nội chiến.
Ngoài ra, OPEC còn tính đến cả mức chênh lệch giữa sản lượng hiện tại và đường cơ sở được sử dụng cho tính toán cắt giảm (baseline) – vốn thấp hơn nhiều ở một số nước sản xuất như Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất, những nơi đã tăng sản lượng trong mấy tuần gần đây.
Vậy mà con số cắt giảm sản lượng 20 triệu thùng/ngày mà OPEC tuyên bố lại không hề loại bỏ bất kỳ yếu tố nào kể trên.
Do đó, các nhà kinh doanh dầu mỏ giảm tin cậy đối với thỏa thuận của OPEC+. Một số người cho rằng mức cắt giảm thực tế có khi chỉ bằng 1/3 con số 20 triệu thùng/ngày, tức là chỉ khoảng 7 – 8 triệu thùng/ngày mà thôi.
Tham khảo: Reuters