Các gia đình và cá nhân giàu nhất châu Á đang đổ xô vào SPAC (công ty được thành lập với mục đích đặc biệt, hay còn gọi là công ty séc trắng). Đây là các công ty không có hoạt động kinh doanh được thành lập để phát thành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) nhằm mục đích thâu tóm một công ty khác.
Các gia đình, một trong số đó của ông trùm sòng bạc Lawrence Ho đang đặt niềm tin vào các SPAC với hy vọng đem về mức lợi nhuận tốt hơn trong môi trường lãi suất thấp.
“Chúng tôi đang thấy ngày càng nhiều cá nhân và gia đình siêu giàu ở châu Á tăng cường phân bổ quỹ của họ trong việc mua cổ phiếu SPAC”, theo Dennis Tam - Giám đốc điều hành văn phòng gia đình Ho Black Spade Capital.
“Thị trường SPAC hiện đang rất khoẻ, nhờ vào chi phí vốn thấp, đồng nghĩa chi phí cơ hội nhỏ để đầu tư”, ông nói.
Lãi suất gần bằng 0 đã thúc đẩy giới nhà giàu châu Á tìm kiếm các kênh đầu tư thay thế. Họ đặc biệt chú ý đến các SPAC được hậu thuẫn bởi các quỹ đầu tư tư nhân lớn như KKR & Co. và các tỷ phú như Adrian Cheng, Li Ka-shing và Richard Li. Hong Kong và Singapore có thể thấy cơn sốt ngày càng lớn khi cho phép niêm yết SPAC.
David Sin - một doanh nhân đầu tư SPAC cho biết: “Năm nay chúng ta sẽ chứng kiến các nhà đầu tư châu Á, đặc biệt là tư nhân giàu có đổ tài sản vào các SPAC”.
Sự quan tâm gia tăng đột biến, một số SPAC gần đây đã chứng kiến hơn 90% nguồn đầu tư đến từ tài sản tư nhân thay vì các tổ chức đầu tư.
SPAC huy động tiền từ các nhà đầu tư và sau đó tìm cách mua lại một doanh nghiệp khác, thường là một doanh nghiệp tư nhân trong vòng 2 năm. Nếu SPAC không tìm kiếm được mục tiêu thâu tóm, các nhà đầu tư có thể chọn thu hồi khoản đầu tư ở mức giá chào bán công khai ban đầu bằng cách thực hiện quyền mua lại.
“Đây có thể coi là một khoản đầu tư an toàn hơn trái phiếu vì rủi ro vỡ nợ thấp. Ngoài ra, nếu đầu tư vào các SPAC uy tín được thành lập bởi các ông trùm có tiếng và các quỹ PE lớn, các nhà đầu tư có thể kiếm được lợi nhuận khá cao”, Dennis Tam nói.
Châu Á không phải là nơi duy nhất có các trung tâm tài chính tìm cách nắm bắt thị trường SPAC vốn bị thống trị bởi Mỹ. Vương quốc Anh có khả năng sẽ nới lỏng các quy tắc để khiến SPAC trở nên hấp dẫn hơn khi niêm yết tại London, báo cáo được Bloomberg trích dẫn.
Một số ý kiến nghi ngờ sự bùng nổ của loại hình này.
Edward Au của Deloitte Hong Kong cho biết: "Khi số lượng IPO của SPAC tăng lên, có quá nhiều tổ chức tin vào kỹ năng của họ trong việc tìm kiếm các khoản đầu tư bị đánh giá thấp. Rủi ro SPAC không thực hiện được các thương vụ M&A phù hợp có thể làm giảm uy tín của ngành".
Kể từ đầu năm, ít nhất 8 công ty SPAC được rót vốn bởi các nhà đầu tư châu, bao gồm Primavera Capital, Hopu Investment Management đã niêm yết cổ phiếu tại Mỹ, huy động được ít nhất 2,42 tỷ USD, theo Bloomberg. Đó là một bước dài so với năm 2020, khi 11 SPAC châu Á thu về 2,26 tỷ USD.