Một cuộc khảo sát theo dõi các nhà đầu tư của Mỹ nắm giữ 25 triệu USD trở lên cho thấy độ tuổi trung bình của họ đã thấp hơn 11 năm từ độ tuổi 47, kể từ năm 2017. Những người thuộc giới siêu giàu này có độ tuổi thấp hơn so với những triệu phú nắm giữ khối tài sản ít hơn, với số lượng tăng gấp đôi kể từ mức thấp nhất của cuộc Đại suy thoái. Độ tuổi trung bình của những người sở hữu ít nhất 1 triệu USD là 62, con số này không thay đổi trong nhiều năm.
Những thông tin mà cuộc khảo sát chỉ ra cho thấy "sự chuyển giao tài sản trên phạm vi rộng" mới chỉ đang bắt đầu, George Walper Jr., chủ tịch Tập đoàn Spectrem - đơn vị thực hiện nghiên cứu này, cho biết.
Những người trên 65 tuổi đang nắm giữ hơn 1/3 tài sản của cả nước Mỹ, một con số không tăng nhanh như tỷ lệ người cao tuổi của Mỹ, các nhà kinh tế Emmanuel Saez và Gabriel Zucman của Đại học California Berkeley trích dẫn một bài báo năm 2016. Trên thực tế, nhóm người giàu nhất nước Mỹ đang có độ tuổi ngày càng thấp hơn.
Vậy số tài sản của họ đến từ đâu? Một thế hệ triệu phú và tỷ phú mới có thể sở hữu khối tài sản đến từ khoản thừa kế khổng lồ hoặc tự mình kiếm được. Các nhà kinh tế Saez và Zucman viết trong bản nghiên cứu: "Có thể có nhiều Mark Zuckerberg hơn so với những năm 1960, nhưng số lượng những người như Paris Hilton cũng đang ngày một tăng."
Tại Mỹ, khoảng 172 nghìn hộ gia đình nắm giữ khối tài sản ròng trị giá ít nhất 25 triệu USD, theo ước tính hồi năm ngoái của Spectrem. Trong khi năm 2008 là 84 nghìn hộ.
Số lượng những gia đình sở hữu 25 triệu USD (hoặc hơn) tài sản ròng tại Mỹ ngày một tăng.
Trong cuộc khảo sát của Spectrem, khoảng 9 trên 10 nhà đầu tư dưới 38 tuổi đã cho biết sự thành đạt của họ đến từ "tài sản thừa kế" và "các mối quan hệ với gia đình". Tuy nhiên, tỷ lệ tương tự cũng cho biết "làm việc chăm chỉ" và "tự điều hành hoạt động kinh doanh của mình" là yếu tố chủ chốt. Khoảng 70% các nhà đầu tư giàu nhất cho biết họ vẫn đang làm việc.
Số lượng của những người trẻ tuổi siêu giàu thuộc top 0,1% của thế giới này không là điều gì quá ngạc nhiên, nhất là trong bối cảnh "bùng nổ" tài năng ở Thung lũng Silicon như hiện nay. Công nghệ và số vốn mạo hiểm đổ vào lĩnh vực này đã tạo nên một số lượng lớn các tỷ phú và triệu phú mới cao nhất từ trước tới này. Một đợt IPO hoặc vòng gọi vốn với khoản tiền "khủng" có thể giúp một người trở thành tỷ phú chỉ sau một đêm. Trong khi đó, những người thuộc thế hệ trước thường tích lũy tài sản bằng cách xây dựng các đế chế kinh doanh trong nhiều thập kỷ.
Adam Bowen và James Monsees, hai nhà sáng lập của nhà sản xuất thuốc lá điện tử lớn nhất nước Mỹ - Juul, hiện đang ở độ tuổi 30 và 40. Hai người bạn cùng lớp tại Đại học Stanford, Baiju Bhatt và Vlad Tenev, trở thành tỷ phú ở tuổi 33 và 31 vào năm ngoái, sau khi thành lập Robinhood - công ty cung cấp dịch vụ tài chính cho thế hệ Y.
Những người ở độ tuổi 75 và cao hơn là nhóm tuổi duy nhất sở hữu khối tài sản ròng tăng lên từ năm 2007 đến 2016, theo Khảo sát Tài chính của Người tiêu dùng liên bang (SCF) công bố vào tháng 7 năm 2018. Một người Mỹ ở độ tuổi từ 35 đến 54 ghi nhận khối tài sản, hầu hết tập trung vào bất động sản, tăng hơn 41% vào khoảng thời gian đó.
Trung bình tài sản ròng của các gia đình Mỹ tính theo độ tuổi và các năm.
Trong khi đó, những người giàu nhất nước Mỹ đang có nhiều kế hoạch hoạch định di sản để chuyển giao tài sản cho con cháu và nhiều đời sau. 91% các nhà đầu tư nắm giữ khối tài sản 25 triệu USD hoặc hơn đang lưu trữ tài sản trong quỹ tín thác và một nửa trong số họ sở hữu 3 hoặc 4 quỹ tín thác, Spectrem chỉ ra
Các hoạt động từ thiện đang không nhận được nhiều sự chú ý như trước. Dù gần 200 người giàu nhất thế giới đã ký vào Cam kết Cho đi (Giving Pledge), nhưng cuộc khảo sát của Spectrem lại cho thấy họ lại không còn hào phóng, ít nhất là cho tới nay. Trong số những người tham gia cuộc khảo sát, chỉ 15% trong số họ đóng góp 100 nghìn USD trở lên mỗi năm cho các hoạt động từ thiện.