Các thương hiệu sang trọng toàn cầu từ Prada đến LVMH đang quay trở lại đầu tư mạnh tay vào Trung Quốc lần đầu tiên kể từ khi Chính phủ nước này đưa ra chính sách hạn chế tiêu dùng xa xỉ từ 5 năm trước. Lần này họ tập trung vào các thành phố nhỏ hơn, kém phát triển hơn ngay cả khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang giảm tốc.
Làn sóng gia tăng chi tiêu của một bộ phận giới trẻ tại Trung Quốc - nhóm không bị cản trở bởi chính sách đàn áp tham nhũng và chi tiêu xa hoa, đang thúc đẩy các thương hiệu cải tiến một số cửa hàng và mở cửa hàng mới ở các thành phố hạng hai và hạng ba nơi chi tiêu sang trọng ngày càng tăng nhanh hơn.
Những người trẻ tuổi, chiếm khoảng 30% doanh số bán hàng tại Trung Quốc của các hãng, là một nhóm nhân khẩu học ít nhạy cảm với các yếu tố kinh tế vĩ mô.
Jean-Paul Agon, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn mỹ phẩm L'Oreal cho biết: "Có sự nổi lên rất mạnh của tầng lớp thượng lưu hoặc tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc. Và sự khác biệt là bây giờ thế hệ Y ở các tầng lớp này hoàn toàn không do dự khi mua những thương hiệu cao cấp."
Thông thường những người trẻ sống độc thân được trang bị tiền từ gia đình nằm trong nhóm từ 20 đến 34 tuổi bắt đầu mua các thương hiệu cao cấp ở độ tuổi rất trẻ và mức độ mua cũng thường xuyên hơn. Họ mua mọi thứ từ trang sức và quần áo tới mỹ phẩm và túi xách.
Nhiều người thuộc thế hệ Y cũng đang chọn ở lại các tỉnh xa xôi của đất nước, xa rời các thành phố lớn, đắt tiền hơn như Bắc Kinh và Thượng Hải, nhờ công nghiệp hóa và đô thị hoá nhanh chóng.
Theo Daniel Zipser, đối tác cao cấp tại McKinsey & Co., tăng trưởng doanh thu của phân khúc hàng xa xỉ tại Trung Quốc đạt khoảng 15 đến 20 phần trăm trong nửa đầu năm nay.
Sự lo ngại về chiến tranh thương mại
Những người mua sắm hàng hóa sang trọng tại Trung Quốc chi khoảng hơn 500 tỷ nhân dân tệ (73 tỷ USD) hàng năm, chiếm gần một phần ba thị trường cao cấp toàn cầu, McKinsey cho biết trong báo cáo mới nhất của mình.
Các thương hiệu bao gồm Gucci của Kering cho tới Burberry của Anh và nhà sản xuất túi xách sang trọng của Pháp Hermes đều báo cáo nhu cầu tăng cao từ những người mua sắm Trung Quốc trong quý 2 ngay cả khi tình trạng căng thẳng thương mại Trung Quốc-Mỹ leo thang và gây ra không ít ảnh hưởng cho nền kinh tế.
Một số giám đốc điều hành cho biết, lượng hàng hóa xa xỉ được tiêu thụ ở Trung Quốc đang tăng nhanh chóng, thúc đẩy bởi các đợt giảm giá của những thương hiệu hàng đầu sau khi chính quyền giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng và làm cho việc mua sản phẩm từ các trang web và nhà cung cấp ở nước ngoài trở nên khó khăn hơn. Một đồng euro mạnh vào đầu năm 2018 cũng khiến khách du lịch không muốn chi tiêu ở châu Âu.
Giá các mặt hàng xa xỉ ở Trung Quốc, trước đây cao hơn đáng kể so với châu Âu và Mỹ, đã giảm giá dần. Thuế cũng đã được giảm từ 7% đến 17%, cho phép các công ty cắt giảm giá.
Hãng sản xuất quần áo sang trọng của Ý Moncler đã giảm giá bán ở Trung Quốc khoảng 3,5% tính trung bình kể từ tháng Bảy, trong khi Gucci, Louis Vuitton và Hermes cũng đã giảm giá.
"Khi tôi so sánh với giá ở Mỹ Mỹ, sự khác biệt về giá giữa các thương hiệu không phải là lớn", Sunny Deng, 28 tuổi, người đang học tập tại Mỹ, nhưng đã đi nghỉ ở Thượng Hải. "Đôi khi ở đây còn rẻ hơn."
Sự thúc đẩy tại các thành phố nhỏ hơn
Để nắm bắt thị trường đang phát triển nhanh chóng, các thương hiệu toàn cầu đang ngày càng tiến ra xa hơn từ các thành phố cấp một của Trung Quốc - những động cơ tăng trưởng trước đó.
Prada công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm khá tốt nhờ được người tiêu dùng Trung Quốc ủng hộ. Hãng đã mở bảy cửa hàng trong năm nay tại Tây An. Ba cửa hàng cho nhãn hiệu Prada, hai cho nhãn hiệu Miu Miu và hai cho nhãn hiệu của Church's.
LVMH đã mở một cửa hàng ở trung tâm thành phố sôi động Vũ Hán, nơi có 11 triệu người, trong khi thương hiệu trang sức Chaumet đã mở một cửa hàng ở thành phố Vô Tích, bên ngoài Thượng Hải. Hermes sẽ ra mắt một cửa hàng ở Tây An vào tháng Chín.
Mặc dù vậy, các công ty cao cấp vẫn đang cảnh giác với nhu cầu có thể sụt giảm trong nửa sau của năm khi một cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ leo thang.
Jean-Francois Palus, giám đốc điều hành Kering, cho biết: "Sẽ là không khôn ngoan nếu không dự phòng trường hợp môi trường chính trị và vĩ mô trở nên khó khăn". Giám đốc tài chính của LVMH, ông Jean Jacques Guiony, trong một cuộc gọi với các nhà phân tích trong tháng Bảy, cũng cảnh báo về những rủi ro tiềm tàng từ việc tăng thuế quan toàn cầu.
"Mặc dù ngành công nghiệp cao cấp không bị ảnh hưởng trực tiếp như các ngành thông thường, nhưng rủi ro như vậy chắc chắn sẽ làm hiện hữu một số hậu quả tiêu cực đối với chúng tôi", ông nói.
Các thương hiệu cũng đang ngày càng chú trọng vào các dịch vụ kỹ thuật số của họ để thu hút những người mua sắm trực tuyến của Trung Quốc.
Louis Vuitton và Gucci đã tung ra các trang web thương mại điện tử tại Trung Quốc vào năm ngoái và Hermes dự định tung ra trang web của mình tại Trung Quốc vào cuối năm nay.
Louis Vuitton cũng đã hợp tác với Baidu của Trung Quốc để sử dụng nhận dạng khuôn mặt để hỗ trợ chiến dịch quảng bá sản phẩm nước hoa đầu tiên được tung ra ở thị trường Trung Quốc.