Theo báo South China Morning Post, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát hồi cuối năm 2019, ông Stephen Yao - 46 tuổi, ở tỉnh Quảng Đông - thường ra nước ngoài hơn 20 lần mỗi năm để mua bất động sản cho các khách hàng Trung Quốc.
Những địa điểm mà ông Yao lựa chọn bao gồm Kyoto (Nhật Bản), Bangkok, Pattaya (Thái Lan) và Kuala Lumpur (Malaysia). Tháng 3-2020, ông Yao thực hiện chuyến đi cuối cùng, tính đến nay, do biên giới đóng cửa. Kể từ đó, người này hy vọng cuộc sống sẽ trở lại như lúc chưa có đại dịch: tự do đi lại, đầu tư toàn cầu và nghỉ hưu ở nước ngoài.
Ông Yao cho biết đây cũng là nguyện vọng của nhiều người Trung Quốc sinh vào những năm 1960 và 1970. Tuy nhiên, đó không phải là mong muốn của giới trẻ nước này!
Giới trẻ Trung Quốc thích chi tiêu trong nước. Trong ảnh: Triển lãm Ôtô Thượng Hải vào năm ngoái. Ảnh: REUTERS
South China Morning Post kể trường hợp của Jay Li, mới ngoài 20 tuổi nhưng đang điều hành một doanh nghiệp thương mại điện tử. Chàng trai trẻ đã chi 3 triệu nhân dân tệ (472.000 USD) để trang trí căn hộ rộng 90 m2 của mình ở TP Quảng Châu.
"Thiết kế nhà sang trọng và sở hữu một bộ sưu tập nghệ thuật hiện đại thú vị hơn. Chúng là phương tiện tốt hơn để lưu trữ giá trị. Mua một căn hộ rộng 30 m2 ở một quốc gia Đông Nam Á với giá 500.000-800.000 nhân dân tệ (khoảng 79.000-126.000 USD) không phải là điều tuyệt vời đối với tôi" - Li nói.
Ông Yao nhìn nhận những người sinh trong khoảng thời gian 1980-2000 (thế hệ Y) và cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI (thế hệ Z) của Trung Quốc có xu hướng tập trung đầu tư vào thương mại điện tử, giải trí trực tuyến và lĩnh vực trò chơi trong nước. Ngoài ra, thái độ đối với tiêu dùng cũng đang thay đổi giữa các thế hệ X (sinh giai đoạn 1965-1979), Y và Z giàu có của Trung Quốc.
Mặc dù giới trẻ vẫn quan tâm việc ra nước ngoài nếu các biện pháp kiểm soát biên giới được loại bỏ nhưng họ ít có nhu cầu mua tài sản hoặc sống ở nước ngoài.
"Những người sinh vào những năm 1970 và 1980 được hưởng lợi từ toàn cầu hóa, thúc đẩy họ đa dạng hóa đầu tư ra nước ngoài để bảo đảm tài sản của mình. Nhưng giới trẻ bây giờ không như vậy. Họ thích chi tiêu và đầu tư trong nước vì nghĩ rằng tài sản của họ sẽ an toàn hơn và có thể kiểm soát tốt hơn nếu ở Trung Quốc" - ông Yao nói.
Wu Xiaobo Channel - một trong những công ty truyền thông tài chính độc lập hàng đầu của Trung Quốc - năm 2021 cho biết tầng lớp trung lưu từ 40 tuổi trở lên ở nước này quan tâm đến phân bổ tài sản toàn cầu, nhập cư, chăm sóc y tế, nghỉ hưu và giữ gìn của cải.
Trong khi đó, tầng lớp trung lưu ở độ tuổi 20 và 30 của đất nước tỉ dân chú ý đến giáo dục, cơ hội nghề nghiệp và của cải, đồng thời phân bổ tài sản chủ yếu trong nước.