Chiều 11/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Tổ Đại biểu Quốc hội đơn vị số 10 (TPHCM) đã tiếp xúc cử tri huyện Hóc Môn nhằm báo cáo chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Châu Văn Tuấn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Hóc Môn, cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp đã hoạt động trở lại nhưng gặp một số khó khăn, nhất là chi phí xét nghiệm cho công nhân, lao động trong thời gian đầu.
Cử tri Châu Văn Tuấn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Hóc Môn
Ông Tuấn cho biết, nhiều công nhân lao động khó khăn về nhà ở và mong có một nơi ở ổn định, đảm bảo các điều kiện sinh hoạt tối thiểu để an tâm làm việc. Cử tri này đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn đến chính sách xây dựng nhà ở xã hội giá rẻ hoặc khu lưu trú cho công nhân, qua đó góp phần ổn định cuộc sống, giúp công nhân lao động gắn bó với doanh nghiệp và địa phương.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Trần Huỳnh Phương Uyên (giáo viên Trường Mầm non Bé Ngoan, thị trấn Hóc Môn) đề nghị cần có chính sách lâu dài chăm lo cho trẻ mồ côi vì COVID-19.
Báo cáo với các đại biểu Quốc hội, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Dương Hồng Thắng cho biết, huyện Hóc Môn có dân số khoảng 600.000 người, trong đó có rất đông là người nhập cư, lao động tự do. Trên địa bàn huyện hiện có hơn 43.000 phòng cho thuê với gần 95.000 người đang thuê ở.
Theo ông Dương Hồng Thắng, huyện Hóc Môn có những xã có dân số gần 100.000 người. Trong khi đó, lực lượng cán bộ, viên chức các xã rất mỏng nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn và chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là trong đợt dịch vừa qua.
Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với cử tri huyện Hóc Môn về những tổn thất trong đại dịch COVID-19 vừa qua; với những khó khăn, vất vả của nhiều trẻ em mồ côi cha mẹ trong đại dịch; chia sẻ với nhiều gia đình neo đơn, công nhân thất nghiệp, hàng nghìn người rời TPHCM về quê.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trả lời cử tri huyện Hóc Môn |
Chủ tịch nước lưu ý, huyện Hóc Môn là cửa ngõ của TPHCM và các tỉnh lân cận. Hiện nay, Hóc Môn vẫn còn nhiều ca nhiễm mới phát sinh nên bên cạnh việc triển khai các biện pháp thích ứng với COVID-19, lãnh đạo huyện và các cơ quan chức năng cần phải nâng cao cảnh giác, không chủ quan, lơ là.
Chủ tịch nước đề nghị huyện Hóc Môn tiếp tục nắm bắt kịp thời tình hình đời sống người dân, không để bất cứ người dân nào thiếu lương thực, thực phẩm. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần sát dân, hỗ trợ kịp thời cho người dân, nhất là các gia đình neo đơn, người già, gia đình chính sách, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Theo cử tri Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Luật gia huyện Hóc Môn, thời gian qua rất nhiều cá nhân đứng ra vận động làm từ thiện. Theo quy định, điều kiện thành lập quỹ từ thiện phải có điều lệ, có đề án, quy chế hoạt động. Tuy nhiên, trên thực tế, các cá nhân vận động từ thiện một cách thoải mái. Có người vận động trên 100 tỷ đồng, trực tiếp nhận vào tài khoản riêng rồi trực tiếp đi phát. Đây là “lỗ hổng” của pháp luật
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, giữ chân người lao động ở lại TPHCM không để đứt gãy chuỗi sản xuất là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Đây còn là nguồn lực quan trọng để phát triển địa phương trong thời gian tới. Vì vậy, huyện Hóc Môn nói riêng và TPHCM nói chung cần phải có chính sách động viên công nhân lao động ở lại và yên tâm tiếp tục lao động, sản xuất.
Chủ tịch nước cho rằng, hiện nay y tế cơ sở tại TPHCM nói chung, huyện Hóc Môn nói riêng bộc lộ nhiều bất cập, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Vì vậy, TPHCM phải nhanh chóng củng cố lại hệ thống y tế cơ sở, quan tâm đến lực lượng tuyến đầu chống dịch như có chính sách hỗ trợ thoả đáng, khen thưởng động viên kịp thời.
"Đỉnh dịch COVID-19 đã đi qua nhưng có nhiều vấn đề TPHCM cần tiếp tục giải quyết. Huyện Hóc Môn không được lỡ cơ hội phát triển, cần nhanh chóng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nỗ lực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng tăng trưởng… để sớm trở thành đô thị phía tây của TPHCM” - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.