Trong chương trình MONEY Talk số 11 với chủ đề "Lướt sóng vs Xuống hầm" cuối tuần qua, một độc giả đã kết nối với chương trình và đặt đặt câu hỏi với ông Phạm Vũ Thăng Long, Giám đốc Nghiên cứu vĩ mô, Công ty cổ phần chứng khoán HSC về việc chọn ngành dầu khí hay ngành ngân hàng để đầu tư trong bối cảnh vĩ mô biến động mạnh như hiện nay; tỷ lệ lợi nhuận và rủi ro của 2 nhóm ngành trên trong thời điểm hiện tại như thế nào và nên chọn ngành nào để được tối ưu lợi nhuận?
Ông Phạm Vũ Thăng Long trả lời, trước những dự báo vĩ mô về lạm phát có thể tăng cao, các nhóm cổ phiếu thuộc nhóm ngành hàng hóa cơ bản như phân bón, sắt, thép, sẽ tiếp tục hưởng lợi.
Đối với nhóm ngành ngân hàng, nhóm này trung tính trước các tác động của lạm phát. "Mức độ ảnh hưởng của lạm phát lên ngành ngân hàng ở mức giữa và ngân hàng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều", ông Long chia sẻ.
Ông cũng nói, ngoài phân bón, sắt, thép còn có các nhóm ngành khác có thể hưởng lợi như bảo hiểm, năng lượng và bán lẻ.
Vị khán giả cho biết thêm, hiện bạn đang nắm giữ danh mục tiền mặt và cổ phiếu ở mức 50-50, trong khi đó các quỹ lớn trên thị trường đang duy trì tỉ lệ tiền mặt rất cao, và bạn lo ngại không biết cách phân bổ danh mục như thế đã hợp lý chưa và mong muốn được chuyên gia giải đáp
Trả lời câu hỏi này, ông Long cho biết tỷ trọng phân bổ 50-50 thuộc phân khúc nhà đầu tư an toàn và đang là xu hướng trên thế giới ở thời điểm hiện tại. Ông cũng dẫn chứng các thống kê của 100 tổ chức quản lý khoảng 500 tỷ đô la đầu tư vào thị trường mới nổi. Theo các thống kê này, số lượng nhà đầu tư nắm giữ 10% tiền mặt trong danh mục đã tăng từ 13% trong năm ngoái lên 25% tính đến thời điểm hiện tại.
Nhận định về xu hướng gia tăng tỉ trọng tiền mặt của nhà đầu tư, ông cho biết "họ đang cẩn trọng hơn, cũng có thể là họ đang chờ đón một số cơ hội khi thị trường điều chỉnh."
Bên cạnh đó, chuyên gia Phạm Vũ Thăng Long cũng nói thêm về các rủi ro mà nền kinh tế trong năm 2022. Ông cho biết, hiện các thống kê trên thế giới chỉ ra có 5 rủi ro trong năm 2022 mà thị trường tài chính toàn cầu có thể gặp phải. Thứ nhất đó là FED tăng lãi suất, thứ hai FED sẽ cắt giảm tài sản, thứ ba lạm phát, thứ tư covid và thứ năm Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại. Theo ông Long, "hiện thế giới đang hiện hữu 3 rủi ro và gần đây mới nổi lên thêm rủi ro địa chính trị".