Đề cập tới những khó khăn do dịch Covid-19 tại cuộc đối thoại với lãnh đạo Hà Nội, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành chia sẻ, trong hai tuần giãn cách xã hội, lượng khai thác của các hãng chỉ 2-5% năng lực. Với đường bay quốc tế, Vietnam Airlines chủ yếu tham gia chở hàng y tế và đưa công dân Việt Nam và các nước hồi hương. Khoảng 3.000 tiếp viên, 1.000 phi công bị ảnh hưởng.
"Đến nay, chúng tôi không đặt vấn đề lỗ lãi nữa, bởi lợi nhuận gần như không có, giải pháp đặt ra phải phục hồi thế nào trong thời gian tới mới là quan trọng", ông Thành nói và cho biết với quy mô như Vietnam Airlines (khoảng 100 máy bay), nếu làm ăn tốt sau dịch, tối thiểu phải 5 năm mới bù được khoản lỗ đã phát sinh.
Một trong những đề xuất được Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành đưa ra chính là việc mua thêm máy bay. Theo ông Thành, việc mua thêm máy bay chính là cơ hội khi hầu hết hãng trên thế giới đang hủy đơn hàng do ảnh hưởng của Covid-19. Bởi cách đây khoảng 2 tháng, để đặt hàng một chiếc máy bay phải mất 3-4 năm mới được giao. Khi các hãng trên thế giới hủy đơn hàng sẽ giúp doanh nghiệp này có thể nhanh chóng có máy bay. "Ông lớn" hàng không này mong muốn mua thêm 50 chiếc để đón đầu xu thế phục hồi sau dịch.
"Trong giai đoạn này, chúng tôi đề xuất có giải pháp để đẩy nhanh tiến độ phê duyệt đầu tư thêm 50 máy bay", Tổng giám đốc Vietnam Airlines nhấn mạnh.
Ông Dương Trí Thành cũng đề xuất xây dựng nhà ga sửa chữa, bảo dưỡng máy bay ở Nội Bài. Ông Thành mong muốn có đặc cách, xem xét phê duyệt xin khởi công sớm.
Về sức khỏe tài chính của Vietnam Airlines, mới đây Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo đánh giá tình hình tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty. Trong đó, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đánh giá, Vietnam Airlines đang là doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề nhất từ Covid-19.
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2020, doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines ước đạt 19.212 tỷ đồng, giảm 6.712 tỷ so với cùng kỳ 2019 và lỗ 2.383 tỷ đồng.
Dự kiến cả năm 2020 nếu dịch kéo dài và kết thúc trong quý 4, tổng doanh thu của Vietnam Airlines ước đạt 38.140 tỷ đồng, giảm 72.411 tỷ đồng so với kế hoạch 2020 và ước lỗ 19.651 tỷ đồng.
Vào đầu năm 2020, Vietnam Airlines có lượng tiền dự trữ khoảng 3.500 tỷ đồng, nhưng đến nay đã cạn kiệt. Vietnam Airlines đang phải gia tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán. Dư nợ vay ngắn hạn tính đến ngày 20/3 đã lên tới 3.568 tỷ đồng, trong khi nhiều khoản đến hạn thanh toán đang bị tạm dừng, dòng tiền của Vietnam Airlines dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế xấp xỉ 15.000 tỷ đồng trong năm 2020.
Với tình hình tài chính như hiện tại, trong thời gian tới nguy cơ các ngân hàng sẽ không tiếp tục cho vay theo yêu cầu của Vietnam Airlines và các công ty con. Ngoài số vay ngắn hạn đến cuối năm 2020 là 3.517 tỷ đồng, Vietnam Airlines cần sự hỗ trợ từ Nhà nước với tổng số tiền là 12.000 tỷ đồng và bắt đầu giải ngân từ tháng 4/2020.
Trước đó, trong các cuộc họp với Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hoặc Bộ Giao thông Vận tải thời gian vừa qua, lãnh đạo Vietnam Airlines đều bày tỏ quan ngại khi dịch bệnh kéo dài và khẳng định doanh nghiệp đang trải qua giai đoạn "khó khăn chưa từng có".