Khảo sát biểu lãi suất tiền gửi trên thị trường tại ngày 7/4 cho thấy, nhiều ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất huy động tại quầy giao dịch ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên so với tháng 3/2020. Mức giảm lên tới 0,7% so với đầu tháng 3/2020.
Trước đó, vào ngày 17/3, lãi suất các kỳ hạn dưới 6 tháng trên thị trường đã đồng loạt giảm theo quy định mới của NHNN về trần lãi suất huy động. Theo đó, hiện lãi suất 1 tháng đến 5 tháng phổ biến 4,7-4,75%/năm.
Cụ thể, ACB vừa công bố biểu lãi suất mới áp dụng từ 6/4, giảm mạnh ở nhiều kỳ hạn. Lãi suất cao nhất khi gửi tại quầy ở ACB hiện chỉ còn 7,35%/năm, trong khi đó mức lãi suất cao nhất ghi nhận tại nhà băng này vào được niêm yết ở mức 7,8% trong tháng 3/2020, cao hơn 0,45% so với thời điểm hiện tại.
Tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất của ACB hiện là 6,7-7,0%/năm, giảm 0,1% so với biểu lãi suất tháng 3/2020. Kỳ hạn 6 tháng giữ ổn định ở mức 6,6%/năm.
Tại NCB, lãi suất cao nhất của nhà băng này cũng được điều chỉnh giảm 0,1%, về 8,3%/năm với các kỳ hạn từ 24 đến 36 tháng. Tương tự, tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng cũng giảm đồng loạt 0,1% so với đầu tháng 3/2020, lần lượt là 7,5% và 8%/năm.
Tại MBBank, lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm 0,4% xuống mức 6%/năm, kỳ hạn 13 tháng giảm 0,1%/năm xuống mức 6,6%/năm.
Lãi suất tiền gửi cao nhất tại Techcombank hiện chỉ còn 6,5%/năm. Là khách hàng thường, với số tiền nhỏ dưới 1 tỷ đồng, khi gửi tiết kiệm tại Techcombank, rất khó để có lãi suất trên 6%/năm, dù có gửi kỳ hạn dài trên 3 năm.
VPBank là ngân hàng có mức điều chỉnh giảm lên tới 0,6 điểm % ở các kỳ hạn. Cụ thể, tại kỳ hạn huy động 3 tháng, lãi suất giảm từ mức 7,5%/năm về 6,9%/năm và giảm 0,1% với kỳ hạn tiền gửi 12 tháng. Lãi suất cao nhất khi gửi tại quầy hiện chỉ còn 7,3%/năm, kỳ hạn 24-36 tháng, giảm 0,6%.
Ngay cả những ngân hàng nhỏ, lãi suất cũng giảm mạnh. Tại VietCapitalBank, lãi suất kỳ hạn 15 tháng - 60 tháng giảm mạnh 0,7% so với hồi đầu tháng 3, xuống còn 7,5%/năm. Tương tự, lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm từ 7,9%/năm xuống còn 7,5%/năm; 6 tháng giảm từ 7,3%/năm xuống còn 7%/năm.
Trong khi đó, lãi suất tiền gửi tại nhóm "Big 4" ngân hàng đã thấp nay còn thấp hơn.
Đơn cử, Vietcombank giảm 0,2-0,3% lãi suất với hầu hết kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Khách hàng khi gửi tiền tại quầy kỳ hạn 12 tháng chỉ được lãi suất 6,6% một năm thay vì mức 6,8% như trước. Lãi suất cao nhất của Vietcombank hiện nay vẫn là 6,8% một năm nhưng chỉ áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng. Lãi suất kỳ hạn 36 tháng - 60 tháng giảm 0,3% điểm % xuống còn 6,5%/năm, kỳ hạn 6 tháng giảm 0,2% xuống còn 5,1%/năm.
Vietinbank giảm 0,1-0,2% với hầu hết kỳ hạn trên 3 tháng, chỉ giữ nguyên mức lãi suất 6,8% cho kỳ hạn 12 tháng và từ 24-36 tháng. Khoản tiền gửi kỳ hạn 3-6 tháng lãi suất 4,7%. Lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng giảm 0,2% về 5,1%. Kỳ hạn dài từ 36 tháng giảm 0,2% về 6,6%.
Một trong các ngân hàng quốc doanh khác là BIDV giảm lãi suất 0,05-0,2% với hầu hết kỳ hạn và chỉ giữ nguyên với khoản tiền gửi 1 năm ở mức 6,8%. Agribank cũng điều chỉnh lãi suất huy động 6 tháng về còn 5,1%/năm, giảm 0,2%.
Giữa làn sóng giảm lãi suất, Sacombank của ông Dương Công Minh lại "ngược dòng" xu hướng bất ngờ thông báo điều chỉnh tăng lãi suất huy động kể từ ngày 6/4.
Theo đó, Sacombank tập trung tăng lãi suất huy động đối với các kỳ ngắn hạn từ 1-8 tháng. Trong đó, các kỳ hạn từ 1-5 tháng tăng tối đa 0,2% đối với cá nhân và 0,25% đối với doanh nghiệp, dao động từ 4,5-4,75%/năm, đảm bảo đúng quy định về trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước. Còn các kỳ hạn 6-8 tháng có mức tăng từ 0,05-0,3%, niêm yết ở mức 6,2%/năm- 6,4%/năm. Đặc biệt, Sacombank áp dụng mức lãi suất gửi tiết kiệm online cao hơn 0,3-0,5% so với gửi tại quầy.
Theo giới phân tích, dù lãi suất ngân hàng tại hầu hết các ngân hàng thương mại đều hạ nhiệt tuy nhiên tiết kiệm tiếp tục là kênh đầu tư hiệu quả.
Theo nhận định của TS. Võ Trí Thành - thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, mặt bằng lãi suất kỳ hạn trên 6 đến 12 tháng vẫn chênh 2-3%/năm so với kỳ hạn ngắn, mức lãi suất này vẫn đủ hấp dẫn tạo khoảng không lớn để Ngân hàng thương mại tiếp tục huy động kỳ hạn dài hơn, còn người gửi tiền tiếp tục có kênh sinh lời an toàn.
Nhận định kênh tiết kiệm vẫn khá tốt so với kênh đầu tư khác, nhưng theo TS. Nguyễn Đức Độ - phó Viện trưởng Viện kinh tế tài chính (IEF) tỏ ra thận trọng hơn khi cho rằng, việc thu hút vốn dài hạn vẫn là thách thức đối với các ngân hàng. Vì xu hướng lãi suất giảm nên các ngân hàng không thể tăng mạnh lãi suất để hút khách mà có thể thêm các giải pháp khác. Tuy nhiên theo TS. Độ, việc giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn vẫn là cần thiết để không tạo mất cân đối thanh khoản và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng trong dài hạn. Đồng quan điểm, TS. Trần Du Lịch - thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng khuyến nghị, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách siết tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo đúng lộ trình để đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống.