Trong khi tình hình dịch bệnh phức tạp, đầu ra ách tắc khiến nhiều mặt hàng nông sản đang rớt giá thê thảm, kêu gọi hỗ trợ thì trái sầu riêng tại ĐBSCL được giá, đắt hàng.
Huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ đang vào vụ thu hoạch sầu riêng. Các loại sầu riêng hạt lép Ri 6 và sầu riêng Monthong được nông dân bán cho thương lái và các vựa thu mua từ 45.000-55.000 đồng/kg, cao hơn từ 15.000-20.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Văn On (xã Nhơn Ái) cho hay, hồi đầu vụ, ông bán tại vườn cho thương lái từ 60.000-65.000 đồng/kg. Hiện do thu hoạch rộ nên giá có giảm nhưng vẫn khá cao, từ 50.000-55.000 đồng/kg. Năm nay do thời tiết bất lợi nên cây có tỷ lệ đậu trái thấp, dự kiến vườn sầu riêng 1.000m) của ông cho sản lượng khoảng 2,7 tấn (năm ngoái 3,2 tấn), song với giá cao, ông kỳ vọng thu lợi khoảng 100 triệu đồng.
Phong Điền cũng là huyện có diện tích cây ăn trái lớn nhất tại Cần Thơ, với gần 8.500ha các loại. Trong đó có hơn 1.600ha sầu riêng (hơn 700ha đang cho trái), sản lượng trái mỗi năm có thể đạt hơn 11.700 tấn.
Sầu riêng là một trong những trái cây chủ lực ở ĐBSCL |
Ông Lê Hồng Phúc, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Hồng Phúc (thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) cho biết, hiện toàn bộ 3ha đất vườn của gia đình đều trồng sầu riêng (giống Ri 6), trong đó cây có tuổi thọ cao nhất là 10 năm. Theo ông, cây sầu riêng đã mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình và được nhân rộng nên bà con tổ chức thành lập HTX để cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác, từ đó giúp các nhà vườn trong HTX và nhiều bà con xung quanh trở nên khá giả.
Nhờ chăm sóc tốt, áp dụng kỹ thuật hiệu quả trong giai đoạn xử lý ra hoa, nhất là trong quá trình thụ phấn cho trái nên vườn sầu riêng của ông Phúc và bà con xã viên đều cho năng suất cao, tỷ lệ trái đạt yêu cầu nhiều. Hiện tại, các vườn sầu riêng từ 10 năm tuổi trở lên ở HTX này cho năng suất khoảng 10 tấn trái/ha, với giá bán 60.000-70.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất, người trồng sầu riêng thu lợi nhuận từ 400-500 triệu đồng/ha.
Phục hồi hàng ngàn ha sầu riêng bị thiệt hại
Tại Tiền Giang, thủ phủ cây ăn trái của ĐBSCL, đợt hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt mùa khô năm 2019-2020 gây thiệt hại gần 4.500ha sầu riêng, trong đó có đến trên 3.500ha gần như chết trắng. Thực hiện khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục vườn sầu riêng, giúp nông dân sớm ổn định cuộc sống, ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam và các ngành hữu quan đã tổ chức hơn 360 cuộc tập huấn cho trên 12.000 lượt nhà vườn về quy trình 5 bước chăm sóc, phục hồi vườn sầu riêng. Các giải pháp đang phát huy hiệu quả, mùa khô 2020-2021 vừa qua, hạn, mặn không gây thiệt hại đáng kể cho vườn cây này.
Riêng số sầu riêng bị thiệt hại mùa khô 2019-2020, sau khoảng một năm chăm sóc, vườn cây đã phục hồi tốt. Hiện các khu vườn bị ảnh hưởng nhẹ (dưới 30%) phục hồi hoàn toàn; khoảng 1.000ha (bị ảnh hưởng 30-70%) phục hồi trên 80%. Đối với diện tích sầu riêng chết, nông dân cải tạo trồng mới được gần 2.000ha.
(Theo Tiền Phong)