Sau những im lặng kéo dài, hôm qua là lần đầu tiên CEO Mark Zuckerberg lên tiếng về vụ bê bối dữ liệu Cambridge Analytica liên quan đến 50 triệu người dùng đã thổi bay hàng chục tỷ USD giá trị vốn hóa Facebook.
Vụ bê bối của Facebook chính thức bùng lên sau khi hai tờ báo lớn là The New York Times và Observer đưa tin khoảng 50 triệu tài khoản Facebook đã bị Cambridge Analaytica có trụ sở tại Anh khai thác bất hợp pháp.
Trong buổi trò chuyện tối qua với The New York Times, tỷ phú Mark Zuckerberg nói rằng đã có một số người dùng xóa tài khoản Facebook, tuy nhiên ông không nhận thấy đó là một số lượng "có ý nghĩa".
Một trào lưu xóa tài khoản Facebook cũng xuất hiện rầm rộ trong ngày hôm qua trên mạng xã hội Twitter. Nhiều trang tin còn chia sẻ những hướng dẫn chuyên môn những ai cảm thấy Facebook không đủ để bảo vệ dữ liệu của họ.
"Tôi không cho rằng có một số lượng người dùng ý nghĩa hành động như vậy, nhưng bạn biết đấy, điều đó không tốt", Zuckerberg nói với tờ The New York Times. ''Nó cho thấy vấn đề lòng tin rất lớn đối với người dùng và tôi hiểu điều đó''.
Không rõ một số lượng người dùng xóa tài khoản Facebook lớn như thế nào thì vị CEO mạng xã hội này mới xem xét là ''có ý nghĩa''. Trong báo cáo lợi nhuận quý IV, công ty này báo cáo có 2,13 tỷ người dùng truy cập tài khoản Facebook hàng tháng.
Mặc dù vụ bê bối Cambridge Analytica đã thổi bay gần 50 tỷ USD ra khỏi giá trị vốn hóa Facebook, giới phân tích Phố Wall cho rằng sự việc đã bị thổi phồng.
Trong một ghi chép gửi khách hàng, nhà phân tích Ben Schachter nhận định phản ứng của Zuckerberg đã ''làm dịu đi phần lớn nỗi lo sợ Facebook sẽ thực hiện những thay đổi cơ bản ảnh hưởng đến môi hình kinh doanh@.
Nhìn chung 2018 vẫn sẽ là một năm khó khăn cho Facebook, với những bài báo về việc can thiệp bầu cử, tin tức giả mạo và nội dung không phù hợp có liên quan tới mạng xã hội này. Bên cạnh đó là làn sóng phản đối dữ dội các công ty công nghệ nói chung tại Thung lũng Silicon đang nhen nhóm.