Thị trường thương mại điện tử Việt Nam gần đây được nhiều người ví von là "chiến trường ác liệt", khi các ông lớn trong ngành, dù đã ghi nhận mức lỗ hàng trăm, hàng nghìn tỷ nhưng vẫn chưa có ý định bỏ cuộc. Số liệu gần đây cho thấy tính đến cuối năm 2017, Lazada đã lỗ hơn 2.700 tỷ đồng còn Tiki cũng lỗ lũy kế gần 600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo CEO Trần Ngọc Thái Sơn của Tiki, khoản lỗ này là do Tiki đang đầu tư vào hạ tầng để gia tăng quy mô. Đây cũng là bài toán kinh điển trong ngành thương mại điện tử với những tên tuổi thành công như Amazon hay JD.
"Thẳng thắn mà nói Tiki đang đầu tư nhiều vào hạ tầng nên trong ngắn hạn, chúng tôi vẫn tối ưu hóa nhưng mọi người hay lầm tưởng phải tối ưu hóa ngay và luôn".
"Trong thương mại điện tử hay bán lẻ nói chung, mình chỉ tối ưu hóa khi mình đạt được cái ngưỡng nhất định, ví dụ như xử lý từ 1 triệu đơn hàng lên 10 triệu đơn mỗi tháng", CEO Tiki khẳng định trên chương trình Cà phê khởi nghiệp.
Cũng theo anh Sơn, để đạt ngưỡng như vậy, Tiki đang tập trung đầu tư vào các vấn đề cơ sở hạ tầng, kho bãi. Diện tích kho hàng của Tiki đã tăng gấp đôi từ 10.000 m2 lên hơn 20.000m2, không chỉ ở TPHCM, Hà Nội mà còn mở rộng xuống Cần thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang. Đây không chỉ là thành trì để phòng thủ, mà còn là cơ sở giúp Tiki có ưu thế vượt trội hơn so với đối thủ.
"Tiki tự hào là đơn vị có chi phí vận hành cực thấp, chỉ bằng 1/3 so với đối thủ", anh Sơn cho hay.
"Chúng tôi đầu tư lớn để đạt scale (quy mô, PV), khi đó chi phí hoạt động giảm xuống và khách hàng sẽ hưởng dịch vụ tốt hơn. Đây là bài toán kinh điển trong thương mại điện tử rồi. Amazon, JD đều đã làm như vậy".
CEO Tiki và Shark Dzung Nguyễn tham gia chương trình Cà phê khởi nghiệp.
Nếu đã lỗ "khủng", các tay chơi mới có nên tham gia thị trường?
Theo CEO Tiki, nếu là một năm rưỡi trước đây, câu trả lời sẽ là "không" bởi thị trường thương mại điện tử đã rất cạnh tranh, các đối thủ có quá nhiều vốn và đã là quá trễ cho một công ty khởi nghiệp nhảy vào. Tuy nhiên hiện giờ anh Sơn nhận thấy vẫn còn nhiều cơ hội.
Anh lấy ví dụ tại Trung Quốc, thị trường lớn nhất thế giới, dù đã có những công ty thành công xuất sắc như Alibaba hay JD thì vẫn xuất hiện một làn sóng mới: Social ecomerce.
"Đây là hình thức thương mại điện tử sử dụng mạng xã hội để chia sẻ và cũng tăng trưởng rất nhanh. Trong quá khứ người ta vào mạng tìm những cái người ta muốn mua thì giờ làn sóng này giúp họ khám phá những cái họ chưa biết mình muốn, nhưng sẵn sàng bỏ tiền ra mua", anh Sơn lý giải.
"Đó là cái hay của thương mại điện tử: Mỗi năm qua đi tôi lại nhận ra còn nhiều điều hay mình chưa biết, còn nhiều cơ hội ở đây".
Cũng theo người đứng đầu Tiki, thương mại điện tử của Việt Nam vẫn đang ở những bước đầu và đây là giai đoạn nên đầu tư. Thậm chí ông lớn trong ngành như Amazon, sau hàng chục năm tham gia vẫn tiến hành đầu tư hết sức mạnh mẽ, thì rõ ràng "một là thị trường vẫn còn rất tiềm năng và hai là điều đó mang lại nhiều giá trị hơn cho khách hàng".