Cholimex tham gia vào thị trường bán lẻ từ cuối những năm 1980 và hiện là một trong những công ty dẫn đầu ngành cùng với Masan. Mảng gia vị của hai "đại gia" ngành thực phẩm này là Cholimex Food cũng như Masan Consumer đã trở nên quen thuộc với gian bếp và mâm cơm của người Việt từ tương ớt, tương cà, nước mắm, xì dầu, đến dầu hào, sa tế...
Cả 2 đơn vị này vừa khép lại năm 2021 với tỷ lệ tăng trưởng tương đối ổn định, bất chấp một năm đầy khó khăn do Covid-19.
Năm 2021, Cholimex Food đạt tổng doanh thu 2.513 tỷ đồng, đạt 100,5% kế hoạch, tăng trưởng 11% so với năm 2020. Lợi nhuận trước thuế đạt 232,5 tỷ đồng, đạt 101,1% kế hoạch, tăng trưởng 4,1% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận sau thuế đạt gần 186 tỷ đồng, tăng khoảng 4,1%. Tương ứng EPS vào mức 22.960 đồng, đây là con số khá cao so với mặt bằng chung ngành thực phẩm (cụ thể là sauces).
Năm 2022, đơn vị này tiếp tục đặt mục tiêu doanh thu lên 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 250 tỷ đồng, tăng lần lượt 19,4% và 7,5% so với thực hiện năm nay.
Về phía Masan, không chỉ là đối thủ cạnh tranh, năm 2014, thương vụ Masan gửi lời chào mua công khai 49% cổ phần Cholimex Food với giá 90.000 đồng/cp - tương ứng định giá công ty ở mức 730 tỷ - từng được chú ý.
Song dù trả giá cao, Masan vẫn bị từ chối bởi những cổ đông lớn hiện hữu là Cholimex và Nichirei Food. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2015, các cổ đông lớn này còn phủ quyết nội dung "Đề cử Masan là thành viên Hội đồng quản trị". Cuối cùng Masan Food chỉ mua được 2,66 triệu cổ phiếu, tương ứng 32,83% cổ phần của Cholimex Food và giữ nguyên cho đến nay.
Mặc dù không thâu tóm được Cholimex Food, Masan vẫn không ngừng mở rộng và đạt được kết quả kinh doanh tăng trưởng đáng kể. Riêng mảng gia vị vẫn luôn vượt trội hơn về doanh thu so với Cholimex Food.
Năm 2021, doanh thu mảng này của Masan Consumer đạt doanh thu 9.700 tỷ đồng, gấp 3,9 lần doanh thu Cholimex Food.
Quý 1/2022, Masan Consumer thăng hoa với lợi nhuận tăng trưởng phi mã lên gấp 8 lần so với cùng kỳ năm trước, doanh thu thuần hợp nhất đạt 18.189 tỷ đồng, tiếp tục là động lực tăng trưởng mạnh mẽ của Masan.
Masan Consumer dự kiến tốc độ tăng trưởng doanh thu trong Quý 2/2022 đạt 30% nhờ vào việc cho mắt các sản phẩm mới cũng như gia tăng quy mô doanh thu của các sản phẩm hiện hữu.
Năm 2022, đơn doanh thu thuần của Masan Consumer dự kiến đạt mức 34.000 tỷ đồng – 40.000 tỷ đồng, tăng 18 – 39% so với năm 2021. Động lực tăng trưởng đến từ chiến lược cao cấp hóa, tăng trưởng ở các ngành hàng cốt lõi và phát kiến mới, cùng với việc gia tăng khả năng tiếp cận khách hàng thông qua chuỗi WCM và các nhà bán lẻ thương mại hiện đại khác.
Masan hiện đang có lợi thế rất lớn về thương hiệu khi có đến 12 nhãn hiệu sản phẩm đứng vị trí số 1 của các ngành hàng tiêu dùng khác nhau. Hầu hết các loại thực phẩm mà người tiêu dùng lựa chọn để phục vụ cuộc sống hàng ngày đều là sản phẩm của Masan.