Nghề giúp việc tưởng chừng như mang lại thu nhập thấp và ít người muốn làm. Nhưng hiện nay, không ít người lại đi làm giúp việc như một hình thức tiết kiệm và không nhận lương theo tháng.
Không còn ruộng ở quê, nhưng vẫn còn khỏe mạnh nên bà N.T.H. (55 tuổi, quê Phú Thọ) chọn đi làm giúp việc tại Hà Nội để có thêm thu nhập. So với công việc làm nông trước đây, giúp việc trong các gia đình thành phố đỡ vất vả hơn và có mức sống tốt hơn hẳn.
Hơn nữa, theo bà H, công việc cũng đơn giản: Mỗi ngày bà chỉ phải nấu cơm, cho các cháu ăn, lau dọn nhà cửa và đốc thúc trẻ con học online đúng giờ.
Mọi chi phí sinh hoạt, ăn uống đều do chủ nhà chi trả, nên bà H. không cần sử dụng đến lương. "Cuối năm, tôi lĩnh lương một cục tiền coi như gửi tiết kiệm", bà H. cho hay.
Với mức lương 6 triệu đồng/tháng, cộng với lương tháng 13 và thưởng, tổng thu nhập của bà H. vào khoảng 80 triệu đồng/năm. Sau 5 năm làm giúp việc ở Hà Nội, bà H. đã để ra số tiền tiết kiệm 400 triệu đồng.
Theo chị Nikki Nguyễn (quận Long Biên, TP Hà Nội), suốt từ năm 2017 tới nay, bà H. đều giúp gia đình chị trông 2 con. Nhưng do không sử dụng tới lương nên bà H. chỉ nhận thanh toán một lần vào cuối năm. Nguyên do bà H. thích đi làm giúp việc vì muốn có một khoản tiền tiết kiệm dưỡng già mà không muốn phiền tới con cháu.
Chị Nikki Nguyễn cho biết thêm, bà H. còn có khoảng 500 triệu đồng tiền bán đất ở quê. Số tiền đó bà H đem gửi tiết kiệm và cho họ hàng vay để có thêm thu nhập. Tài chính của bà H. hiện rất thoải mái, bà H. còn mua đồ chơi và đồ ăn cho con chủ nhà thường xuyên. "Trước khi nghỉ Tết, bà giúp việc còn lì xì cho mỗi đứa con của tôi 500.000 đồng", chị Nikki Nguyễn nói.
Không riêng bà H, em ruột bà H. cũng đi làm giúp việc và có mức sống tương đương chị gái. May mắn hơn, em gái bà H. còn bán được một mảnh đất quê với giá hơn 2 tỷ đồng. Em gái bà H. còn xây được nhà to cho con cái.
Trước khi về quê nghỉ Tết, chị em bà H mua rất nhiều hải sản đắt tiền như tôm, cua, cá lăng, nho khô, hoa quả sấy, bánh kẹo...về quê ăn tết.
Đáng nói, theo chị Nikki Nguyễn, nhiều loại thực phẩm bà H. mua còn đắt đỏ hơn vợ chồng chị. Do sắm Tết quá nhiều đồ, bà H cùng em gái còn thuê ô tô riêng để chở đồ và về quê ăn tết cho thoải mái.
Nghề giúp việc hiện nay là công việc khá "hot", bởi nhu cầu của thị trường lao động với công việc này rất lớn. Ngay cả những cặp vợ chồng trẻ mới đi làm chưa có điều kiện kinh tế cũng buộc phải thuê người giúp việc trông con.
Nếu làm tốt và may mắn làm trong các gia đình giàu có, người giúp việc có thu nhập cao hơn hẳn đi làm công nhân. Bà Trần Thị Hậu (63 tuổi, TPHCM) còn được thưởng Tết bằng vàng. Năm đầu, bà được thưởng 2 chỉ vàng, những năm sau được chủ nhà thưởng 3 chỉ vàng cùng vé máy bay và nhiều quần áo, quà cáp cho con cháu ở quê.
Mỗi năm, vào các ngày lễ lạt, hay cưới hỏi, giỗ chạp bên gia đình, chủ nhà ít nhiều đều biếu bà Hậu thêm. Cách đây 2 năm, con trai bà ra trường, còn được chính chủ nhà giới thiệu nơi làm việc phù hợp.
Với Bà Cao Thị Ch., ở Nghệ An, giúp việc cho một gia đình ở Phú Nhuận (TPHCM) còn được nhận mức tiền thưởng tết cao hơn người con gái làm nghề biên tập sách gấp nhiều lần. Ngoài số tiền 10 triệu đồng là tháng lương thứ 13, mỗi năm, bà Ch. đều nhận thưởng Tết ít nhất thêm nửa cây vàng.
Tuy nhiên, để nhận được số tiền đó thì bà Ch. cũng là người giúp việc có tri thức. Trước đây, bà là nhân viên ngân hàng. Khi về hưu, bà chọn đi giúp việc.
Giúp việc ngày nay đã không còn là công việc thấp kém trong xã hội. Thay vào đó, nhiều người giúp việc chỉ coi công việc này như một khoản tiết kiệm, hoặc một công việc đem lại thu nhập khi đã luống tuổi.
(Theo Dân trí)