Trong 10 quốc gia ASEAN, các nước như Thái Lan, Indonesia, Singapore và Malaysia đều đã có kinh nghiệm trong việc thu hút và mở rộng tăng trưởng lượng du khách từ châu Âu. Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam lại đang được đánh giá là quốc gia nổi bật nhất tại khu vực Đông Nam Á như một điểm đến du lịch hấp dẫn với các du khách châu Âu.
Năm ngoái, Việt Nam đã ghi nhận khoảng 2,2 triệu lượt khách du lịch châu Âu, phần lớn từ các thị trường lớn như Nga, Pháp, Đức và Anh. Cả 4 thị trường này đều ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể trong 3 năm trở lại đây.
Về khoản chi tiêu, các du khách châu Âu đã chi một con số khổng lồ cho du lịch nước ngoài, ước tính khoảng hơn 700 tỷ USD vào năm 2019. Do đó, việc thu hút du khách châu Âu được coi là mục tiêu mà ngành du lịch tại nhiều quốc gia đặt ra.
Theo Trung tâm thúc đẩy xuất khẩu từ các nước đang phát triển (CBI) thuộc Bộ Ngoại giao Hà Lan, du khách châu Âu vốn được biết đến là những người có hứng thú với các điểm đến du lịch giàu truyền thống, giữ được bản sắc văn hóa địa phương.
Hơn nữa, các thị trường hứa hẹn phải có thế mạnh về văn hóa ẩm thực, thiên nhiên nguyên bản, thích hợp cho việc tự trải nghiệm và khám phá. Và có thể nói Đông Nam Á là một khu vực hội tụ đầy đủ các điểm hấp dẫn kể trên.
Johanna Bonhill-Smith, nhà phân tích du lịch và lữ hành tại GlobalData, cho biết: "Việt Nam đã trở thành một điểm đến phổ biến hơn trong vài năm vừa qua, nhờ một phần vào các chính sách thúc đẩy hội nhập quốc tế".
"Tại lễ công bố Giải thưởng Du lịch thế giới (WTA) năm 2019, Việt Nam được vinh danh là điểm đến lý tưởng nhất châu Á dành cho những người đam mê bộ môn golf, cùng với chiến thắng tại hạng mục "Điểm đến di sản hàng đầu thế giới". Điều này giúp du lịch Việt Nam có thêm chỗ đứng vững chắc trong khu vực.
Ngoài ra, thỏa thuận vận tải hàng không toàn diện (CATA) được chờ đợi từ lâu giữa EU và ASEAN có thể cung cấp sự kết nối hàng không giữa các điểm đến trong khu vực, hướng tới thúc đẩy hơn nữa sự phát triển ngành du lịch, lữ hành tại Việt Nam cũng như Đông Nam Á.