CTCP Gỗ An Cường là doanh nghiệp cung cấp hơn 50% sản phẩm vật liệu nội thất trung và cao cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Công ty này cho biết các chủ đầu tư lớn như Vinhomes, Novaland, Nam Long, Capital Land, Keppel Land, Gamuda Land, Hà Đô, Khang ĐIền, Hưng Thịnh đều sử dụng sản phẩm của Gỗ An Cường. Trong đó chủ đầu tư Vinhomes sử dụng 100% sản phẩm gỗ của An Cường và thiết bị bếp cho các dự án lớn như Vinhomes Smart City, Vinhomes Ocean Park…
Nhà máy An Cường có diện tích 240.000m2 trong đó 50% máy móc được vận hành tự động. Sau hơn 25 năm phát triển, công ty này luôn đạt tỷ lệ tăng trưởng 25-30%/năm, trở thành một trong những doanh nghiệp có quy mô lớn nhất trong ngành gỗ nội thất tại Việt Nam.
Gỗ An Cường vừa công bố tình tình tài chính năm 2020. Theo đó, mặc dù doanh thu quý 4/2020 của công ty chỉ đạt hơn 1.207 tỷ đồng, giảm hơn 18% so với cùng kỳ năm trước, song biên lợi gộp tăng vọt lên trên 29% (cùng kỳ năm trước chỉ đạt 21,6%) đã khiến lợi nhuận trước thuế quý 4 đạt hơn 220 tỷ đồng, tăng 36,75% cùng kỳ 2019. LNST quý 4/2020 đạt 193 tỷ đồng, tăng 30,53% so với cùng kỳ 2019.
Luỹ kế năm 2020, do tác động của Covid-19, doanh thu của Gỗ An Cường đạt 3.781,5 tỷ đồng, giảm hơn 15% năm 2019. Tuy nhiên nhờ tiết kiệm giá vốn hàng bán, biên lợi nhuận gộp tăng lên gần 27%, đồng thời tiết giảm đáng kể chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng nên mặc dù doanh thu giảm, LNTT và sau thuế của công ty năm 2020 vẫn tăng so với năm 2019, đạt lần lượt 562 tỷ và 492 tỷ đồng.
EPS năm 2020 của Gỗ An Cường đạt 5.633 đồng.
Năm 2016, quỹ VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) thuộc Tập đoàn VinaCapital và quỹ Deutsche Investitions-und Entwicklungsgesellschaft mbH (DEG) thuộc Tập đoàn KFW của Đức công bố rót 30 triệu USD tiền mặt vào CtyCP Gỗ An Cường.
Ở thời điểm kết thúc năm 2020, 2 cổ đông ngoại lớn nhất của Gỗ An Cường là Whitlam Holding và Sumitomo Forestry, mỗi bên nắm giữ 18,06% và 19,6% cổ phần của công ty.